Giảm áp lực nhờThông tư 22

07/10/2016, 09:57

BT - Mặc dù ngày 6/11 tới đây, Thông tư 22 (thay thế cho Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo) mới  có hiệu lực nhưng khá nhiều giáo viên tỏ ra vui mừng vì  sự thuận lợi hơn trong  giảng dạy.

Giảm áp lực về hồ sơ sổ sách

Nỗi sợ lớn nhất của giáo viên là gánh nặng về hồ sơ, sổ sách. Trước đây hồ sơ, sổ sách đã lấy đi không ít thời gian của thầy cô giáo, thay vì tập trung cho dạy học. Trước đó với Thông tư 30, một ngày có giáo viên dạy nhiều lớp phải ghi lời phê hàng trăm lần trong vở học sinh. Có nhiều thầy cô giáo dạy tiết chuyên phải ghi hàng nghìn tên học sinh kèm theo lời nhận xét… Nay thì những cuốn sổ như sổ theo dõi chất lượng học sinh, sổ nhật ký hàng ngày trên lớp, đã được thay thế bằng tờ giấy tổng kết theo quy định Thông tư 22 lần này.

Ngoài ra, giáo viên thực sự được giao quyền khi tự mình chủ động khi nào cần nhận xét bằng lời, khi nào ghi vào vở học sinh. Chính điều này, làm giảm những lời phê sáo rỗng, khuôn mẫu và đối phó.

Học sinh được đánh giá toàn diện hơn

 Thông tư 30 trước đó quy định, tất cả học sinh được đánh giá ở hai mức hoàn thành và không hoàn thành. Với cách đánh giá này, gần như “cào bằng” chuyện học giỏi hay chưa giỏi. Học sinh xuất sắc và yếu kém cũng ngang nhau. Điều này không khuyến khích học sinh nỗ lực vươn lên, không giúp phụ huynh hiểu được năng lực thật sự của con mình để kèm cặp, bồi dưỡng.

Thông tư 22  khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Với kết quả đánh giá như thế, sẽ khuyến khích được sự nỗ lực phấn đấu của học sinh, phụ huynh cũng nắm rõ được năng lực học tập thực sự của con mình để giúp các em ngày một tiến bộ.

Về năng lực phẩm chất, Thông tư 22 quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành 3 mức: Tốt, đạt, cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức đạt và chưa đạt). Với việc điều chỉnh này, giáo viên đánh giá học sinh chính xác hơn, phụ huynh nhìn vào kết quả đánh giá của nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Hạn chế việc loạn khen

Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập, rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá. Điều này giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh, cũng như hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

Phan Tuyết


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm áp lực nhờThông tư 22