Dự án titan Mũi Đá 1:   Không thể lấy nước ngầm tuyển titan 

19/09/2016, 08:23

BT- Nước ngầm đang ngày một cạn kiệt, trong khi dự án được cấp phép khai thác titan sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

                
Người trồng rau ở Phú Long lo lắng với dự    án titan của Công ty Cát Tường.

Xin lấy nước ngầm tuyển quặng  

Ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai có văn bản gởi Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến dự án khai thác titan của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Cát Tường (Công ty Cát Tường) đối với dự án khai thác titan ở khu vực Mũi Đá 1 (giáp ranh giữa thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc và phường Phú Hài, TP. Phan Thiết).

Theo văn bản này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản quặng titan - zircon tại khu vực Mũi Đá 1, cũng như ý kiến của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, trong đó có việc lấy ý kiến về chủ trương đầu tư và các vấn đề liên quan đối với khu vực đề nghị cấp phép khai thác quặng sa khoáng titan - zircon; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm tra thực tế khu mỏ và rà soát hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt. Tuy nhiên qua kiểm tra, có nhiều nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty đã duyệt hiện không còn phù hợp với thực tế hiện nay, đặc biệt là nguồn nước để sử dụng cho khai thác, biện pháp thu gom, xử lý nước thải từ quá trình khai thác. Ngày 1/8/2016, Công ty Cát Tường có bản giải trình gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình một số nội dung chính theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, trong đó công ty xin không sử dụng nước mặt để khai thác quặng titan theo như báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt mà sử dụng nước ngầm và nước mưa phục vụ cho khai thác.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy thể hiện rõ quan điểm không đồng ý lấy nước ngầm khai thác titan. Theo đó, trong văn bản gởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì qua thực tế tình hình khô hạn và địa hình của một số khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác titan trên địa bàn tỉnh; ngày 27/7/2016 Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến về việc “Không chấp thuận việc đầu tư dự án khai thác titan khu vực từ phường Phú Hài (Phan Thiết) đến thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc). Theo đó, tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng khô hạn, do đó điều kiện ràng buộc của việc chấp thuận các dự án khai thác quặng titan trên địa bàn tỉnh là không được phép khai thác nước từ nguồn nước ngầm, nước từ các suối, ao, bàu, hồ; để nguồn nước này tập trung phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và ngăn ngừa nhiễm mặn. Các chủ đầu tư muốn khai thác sơ tuyển quặng sa khoáng titan phải hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh để được cung cấp nước”. Mặt khác, theo nội dung thống nhất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tại buổi làm việc ngày 19/8/2016 với UBND tỉnh thì cần rà soát, đánh giá lại các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản titan đảm bảo tính khả thi trước khi chấp thuận.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm làm việc với UBND tỉnh để rà soát và thống nhất các nội dung. Đặc biệt trong đó có các vấn đề về hiệu quả kinh tế - xã hội, an toàn cho khu vực mỏ khai thác và đời sống của nhân dân, cảnh quan thực tế tại địa phương, cũng như vấn đề sử dụng nước cho khai thác khoáng sản titan và tính khả thi của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt. 

Đe dọa nước sản xuất nông nghiệp 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án khai thác titan của khu mỏ Mũi Đá 1 có diện tích 236 ha,  trữ lượng 2,08 triệu tấn, dự kiến khai thác trong vòng 23 năm, với trung bình mỗi năm khai thác khoảng 100 ngàn tấn. Trong đó phần lớn diện tích nằm khu vực thị trấn Phú Long. Lâu nay người dân sản xuất nông nghiệp các địa phương như Phú Long, xã Hàm Đức phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mạch chảy ra từ các khu động cát (hay còn gọi là nước gió). Trong khi khu vực dự kiến khai thác và sử dụng nước ngầm bằng việc khoan lấy nước để đãi titan chỉ cách khu vực sản xuất nông nghiệp tính theo đường chim bay không xa.

Chiều 13/9, chúng tôi đến khu vực sản xuất rau sạch thuộc khu phố Phú Trường và Phú Cường, thị trấn Phú Long. Đây là nơi quy hoạch sản xuất rau an toàn nổi tiếng và lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng là khu vực sản xuất nông nghiệp gần nhất với dự án mỏ của Công ty Cát Tường. Khi trao đổi về việc dự kiến Công ty Cát Tường khai thác titan và sử dụng nước ngầm để tuyển quặng cách đó không xa, nhiều người đã bày tỏ ý kiến không đồng tình vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là mạch nước ngầm.  Ông Đoàn Sinh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hàm Nhơn 2 (Phú Long) cho biết: Chưa tính toàn thị trấn, chỉ riêng HTX hiện có 250 hộ với hàng ngàn nhân khẩu, trong đó có 60 ha sản xuất rau sạch và 160 ha thanh long. Nếu như cách đây hơn 10 năm nguồn nước gió (nước mạch nhỉ ra từ động cát) luôn dồi dào đáp ứng đủ cho việc sản nông nghiệp trong vùng thì hiện nay đang dần cạn kiệt. Hiện nay, nhiều hộ dân trồng rau và trồng thanh long phải tiến hành khoan giếng mới có đủ nước sản xuất. Nếu như công ty lấy nước ngầm khai thác sẽ đe dọa trực tiếp đến sản xuất của người dân. Cũng theo ông Sinh, cách đây không lâu, Công ty cổ phần Phú Long đã tiến hành khoan nhiều giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu đã gây tắc mạch nước ngầm và người dân đã phản ứng. Công ty này sau đó đã phải hỗ trợ cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với công nghệ mới nhất hiện nay, muốn tuyển 1 khối cát để lọc lấy titan thì phải cần đến 2 khối nước để tuyển. Với quy mô và vị trí dự án Mũi Đá 1 của Công ty Cát Tường, nếu khai thác sẽ cần đến một lượng nước rất lớn để tuyển quặng và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống kinh tế của người dân trong khu vực. Do đó, các cơ quan Trung ương cần thận trọng đánh giá việc tác động của dự án đến với đời sống của người dân, môi trường xung quanh để từ đó đưa ra quyết định có nên cấp phép khai thác hay không.

Phúc Sinh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án titan Mũi Đá 1:   Không thể lấy nước ngầm tuyển titan