Trò chuyện với nông dân xuất sắc toàn quốc

14/10/2016, 08:01

BT - Có lý do để ông Phạm Văn Động, xã Tân Đức, Hàm Tân, chung thủy với cây mía cho tới giờ này. Qua bao thăng trầm của nghề trồng mía ở Bình Thuận, ông Động hiện vẫn giữ diện tích phủ xanh giống cây trồng gắn bó với mình bao năm trên đất nhà là 200 ha.

         
   

Đồng mía và sự ảnh hưởng  với địa phương

Chúng tôi đến tham quan đồng mía của ông Động vào lúc mọi người đang xuống giống vụ mía chính (từ tháng 9 - 11) trên những lô đất đã thu hoạch mía quá 6 năm đang được dọn sạch. Một nhân công cho chúng tôi biết những lô mía đã thu hoạch còn trong vòng quay không phải xuống giống lại mà chỉ việc cày sơ qua cho đứt rễ già và bón thêm phân hữu cơ. Chúng tôi không thể đi hết vòng quanh 200ha mía của ông Động, nhưng những gì hiện ra trước chúng tôi là những cánh đồng mía đang chuẩn bị thu hoạch ngút ngát đến hết tầm mắt. Ông Đào Văn Cầu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đức chỉ cho chúng tôi một số cột mốc ranh giới đồng mía ở tít đằng xa rồi nhận xét: “Mô hình sản xuất của ông Động đã ảnh hưởng rất lớn đến nông dân và tình hình sản xuất nông nghiệp của xã nhà. Về việc thu hút nhân công địa phương thì đồng mía của ông Động đang đứng đầu Tân Đức, hàng ngày, hơn 40 nhân công tham gia lao động, mùa cao điểm thu hoạch mía phải hơn trăm người làm. Việc giao khoán 200ha mía cho 4 đội sản xuất đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình nông dân ở đây. Ông Động phân tích: Các hộ nông dân tự trồng 1ha chi phí đầu tư thường là 35 triệu đồng là do họ lấy công làm lời. Còn tôi phải trả các khoản từ 40 - 45 triệu đồng/ha,  trong đó khoán công đã hơn 10 triệu đồng. Riêng tiền khoán công hàng năm của tôi trả cho bà con nông dân ở đây đã trên 2 tỷ đồng. Có việc làm thường xuyên và có tiền giúp cho đời sống của người nông dân được cải thiện rất nhiều. Tôi chỉ cần huề vốn vụ đầu, chủ yếu là lấy lãi các vụ sau, tôi chăm kỹ nên 6 - 7 vụ sau trong một vòng quay (trên một lần xuống giống) của tôi cũng đạt năng suất rất cao. Nếu giá mía bình quân các năm 600.000 đồng/tấn thì lời lấy chắc trên 20 triệu đồng/ha, ước tính sơ qua, một năm tôi lời 4 tỷ đồng riêng với cây mía.

Chúng tôi hỏi ông Động về cách phòng trừ sâu bệnh và phòng cháy như thế nào? Ông cho hay: Cây mía đặc biệt ít sâu bệnh, chỉ trộn trong lúc bón lót một ít basudin hột là có thể ngừa được sâu đục thân. Có năm tôi nhập một số giống từ Tây Ninh về bị lá đốm trắng, ngay lập tức tôi khoanh vùng tiêu hủy để không phát tán, giờ thì tạm ổn. Còn việc phòng chống cháy, tôi cho cày xới đường bao  quanh lô rất cẩn thận nên ít khi nào bị cháy, mà có cháy thì cũng không đáng lo ngại, mình chặt mía kịp thời thì cũng chỉ giảm vài mươi ngàn đồng một tấn. Nói thêm cho bà con nông dân yên tâm: Hiện nay, các nhà máy quanh vùng như Nhà máy đường Trị An, La Ngà, Phan Rang đều đang “khát” mía, máy họ chỉ chạy 50%  công suất dự kiến, Nhà máy đường Bình Thuận cũng sắp hoạt động trở lại nên vấn đề đầu ra của cây mía rất khả quan, không phải lo lắng gì nhiều, ngay cả mía cháy nhẹ họ cũng “ăn hàng”.

Ông Động thiết kế mô hình đồng mía, kho phân, trại xe và các khu chăn nuôi trồng màu khác theo hai bên trục đường có cây xanh rợp mát, tất cả đã tạo thành một trang trại rộng lớn, đẹp đẽ và hợp lý, rất thuận lợi cho việc quản lý và vận chuyển. Chúng tôi bày tỏ sự tâm đắc, ngưỡng mộ, ông Động vui vẻ chia sẻ thêm về vòng tròn sản xuất của mình: Ngoài nuôi heo, nuôi bò (giống Ấn Độ), trại còn nuôi 2.000 con cút cung cấp phân. Phân lại bón cho rau, thanh long, mía. Tiền thu từ trứng cút mua thức ăn cho cá. Cá, rau cung cấp trực tiếp cho quán ăn, coi như vừa trồng trọt, chăn nuôi vừa bao tiêu đầu ra… Quán cơm của ông với lãi ròng 1 tỷ đồng/năm lại chịu trách nhiệm xoay vốn cho kho phân và toàn bộ các khoản chi đời sống, con cái hai gia đình ăn học…

Do ông Động là người tính toán rất giỏi, luôn đưa ra những bài toán sản xuất chính xác và luôn ứng dụng tiên phong các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía mới nhất và thực tế ông đã làm đạt năng suất cao (70 - 80 tấn/ha) nên nông dân ở đây học tập được nhiều điều để áp dụng vào vườn nhà. Ngoài ra,  ông Động còn giúp vốn và bán chịu phân cho các hộ nông dân nghèo, giúp họ vươn lên làm giàu.

Khi được hỏi: “Ông Động có ảnh hưởng như thế nào trong phong trào xây dựng nông thôn mới?”, ông Cầu, Chủ tịch Hội Nông dân, tươi hẳn nét mặt: “Ông Động không những là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của Tân Đức mà còn là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Ông đã tự nguyện  hiến đất để xây dựng trường tiểu học, khu liên hiệp giải trí - thể thao, đường nông thôn và thường xuyên đóng góp tiền bạc trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ hỗ trợ nông dân nghèo, quỹ khuyến học… Nói thêm về việc hiến đất, không chỉ dừng lại ở xã nhà, ông Động còn hiến đất và giúp tiền bạc cho nhiều nơi. Chẳng hạn, thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết, Tánh Linh được ông tặng 1ha đất trị giá 300 triệu đồng để làm nghĩa trang. Thôn 4, xã Gia Huynh mới đây được ông hiến 4.000m2 đất mặt tiền để xây trường tiểu học và trường mẫu giáo… Đóng góp nhiều như vậy nên năm nào ông Động cũng được Chủ tịch tỉnh gửi thư khen, tặng bằng khen. Ông Phạm Văn Động đã nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp xuất sắc cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Năm nay, ông Động lại đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi xuất sắc toàn quốc.

Duyên cây mía và tình anh em kết nghĩa

Để có được cơ ngơi làm ăn như hiện nay (tổng cộng 250ha đất trồng mía, keo lá tràm và cây màu khác và một quán ăn phục vụ xe đường dài), với lãi ròng hàng năm là 5 tỷ đồng, ông Động luôn nhớ đến cơ duyên ban đầu, cái cơ duyên mà trong đời mỗi người nó chỉ đến một lần. Và sự đón nhận nó đã đưa cuộc đời ông Động và gia đình mình đi theo một chiều hướng mới mẻ, đủ đầy như ngày nay.

“…Hôm ấy, tôi nhớ là năm 1998, ông Điệp, Giám đốc Nhà máy đường Bình Thuận tình cờ ghé vào quán lá của tôi ăn cơm trưa. Sau khi quan sát đất vườn và tiếp xúc với tôi, ông giám đốc này đã chủ động đề nghị tôi trồng mía. Vốn đầu tư ban đầu nhà máy đường sẽ ứng trước. Tôi quá ngỡ ngàng trước cơ duyên này nên bàn bạc ngay với vợ và người em kết nghĩa để đưa ra quyết định sớm nhất có thể. Biết Tân Minh (cũ) vốn là vùng nguyên liệu mía trọng điểm, cây mía rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, nên chúng tôi mạnh dạn đón bắt cơ hội có một không hai này.  30ha mía khởi nghiệp của chúng tôi bắt đầu từ đây. Chính nhờ tiền ứng trước mà mía chúng tôi năm nào cũng được thu với mức giá ổn định, không bị lỗ lã, năm không được nhiều thì cũng được ít. Một phần cũng nhờ Ngân hàng Nông nghiệp Hàm Tân cho vay thêm mà chúng tôi cứ tiếp tục đầu tư, diện tích đất trồng mía cứ tăng dần, tăng dần cho đến hôm nay. Sau đó, thì tôi thành khách hàng thân thuộc thường xuyên của Ngân hàng Nông nghiệp Hàm Tân. Năm nay, tôi dự định vay thêm ngân hàng cùng với số vốn có được mua thêm đất để hoàn thành kế hoạch 300ha.

Nhớ lại những ngày đầu chân ướt chân ráo, khó khăn ngập đầu, ông Động trầm ngâm tâm sự thêm: “…Sau khi ra khỏi quân ngũ, tôi quyết tâm đi vào Nam lập nghiệp. Bầu đoàn anh em thê tử chúng tôi dừng chân ở đất này vào năm 1992, lúc bấy giờ nơi này hoang vu lắm, đất rộng người thưa. Đầu tiên chúng tôi mở quán lá bán cơm cho xe đường xa. Thật không ngờ cuộc đời đã đưa đến cho tôi và gia đình một cơ hội như vậy, trước đó, tôi và ông Điệp không hề quen biết hay bà con gì”.

Chúng tôi thấy lạ về cơ ngơi nhà cửa tọa lạc trên vùng đất rất rộng của ông Động, hai ngôi biệt thự được xây giống nhau hai bên quán cơm. Biết ngay thắc mắc của chúng tôi, ông Động nói: “Không phải một mình các anh thấy lạ, mọi người ở đây đều không thể tưởng tượng ra được gia đình chúng tôi là như thế nào… Thật ra, ngay từ ngày mang ba lô vào Nam tìm đất lập nghiệp, tôi đi cùng một người em kết nghĩa ở quê. Hai anh em cùng làm việc, cùng tạo dựng tất cả từ hai bàn tay trắng, cùng chịu nỗi khổ cực, gian nan như nhau và qua thời gian cùng sống, cùng chia bùi sẻ ngọt tình nghĩa anh em ngày càng sâu đậm, gắn bó. Ngay cả giờ này cũng vậy, sự phân công quản lý cũng chỉ là để thuận lợi cho công việc thôi. Tôi và con trai quản lý, chăm sóc 200ha mía cùng với toàn bộ máy cày, máy ủi, máy trồng… nói chung tất cả máy móc, cơ khí. Vợ tôi và vợ chồng em Dũng quản lý kho phân và quán cơm. Anh em chúng tôi ăn ở, tạo dựng sản nghiệp chung thành một nhà, tuy nhiên để thuận lợi cho việc sinh hoạt, chúng tôi xây biệt thự cho vợ chồng em Dũng trước rồi mới xây cho chúng tôi, cả hai ngôi biệt thự đều giống nhau, bằng nhau từ tiền của đến hình thức.

Đến giờ ăn các xe đường xa đã đậu kín sân quán ăn Nam Hà của ông Động, chúng tôi chào tạm biệt ông, trong lòng luôn ao ước quê hương mình có thêm nhiều người làm ăn giỏi và có sức ảnh hưởng lớn đến chung quanh như ông Động. Rõ ràng, không chỉ tính toán giỏi, táo bạo và đón bắt tốt thời cơ mà điều đáng nói là sự chung thủy của ông với cây mía gần 20 năm qua đã tạo nên một Phạm Văn Động, nông dân tỷ phú như ngày nay.

 N.H


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trò chuyện với nông dân xuất sắc toàn quốc