Vụ rơi máy bay ở Vũng Tàu: Tiếp tục tìm kiếm 3 phi công

19/10/2016, 13:53

3 phi công trên máy bay trực thăng đang mất tích là Đại úy Dương Lê Minh – giáo viên, Trung úy Đặng Đình Duy và trung úy Nguyễn Văn Tùng là học viên.

Sáng nay (19/10), công tác tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn cùng 3 phi công mất tích tiếp tục thực hiện.

Khoảng 5h30 sáng, tại chùa Kim Liên (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành), ngay dưới chân núi Dinh, các đội hình chiến sĩ quân đội, dân quân, người dân địa phương làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn máy bay trực thăng EC130 đã sẵn sàng các phương tiện, máy móc để tìm kiếm trực thăng.

                
      
      3    phi công bị mất tích

Theo kế hoạch, cán bộ, chiến sĩ chia 4 hướng tiếp cận khu vực được cho là nơi máy bay mất liên lạc. Các điểm xuất phát sáng nay gồm chùa Kim Liên, Núi Trọc, Cầu Sập...

3 phi công trên máy bay trực thăng EC-130 đang mất tích là Đại úy Dương Lê Minh –giáo viên, Trung úy Đặng Đình Duy – học viên và trung úy Nguyễn Văn Tùng – học viên.

Trung úy Nguyễn Văn Tùng quê Thanh Hóa (SN 1991), đã tốt nghiệp trường Sĩ quan Không quân, về chuyển loại tại Trung tâm Huấn luyện, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. Anh đã có vợ và 1 con trai.

Trung úy Phi công Đặng Đình Duy quê Hà Nam (SN 1991), học viên phi công Quân sự khóa 40 và phi công Hải quân khóa 1 (2011-2015), tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân (Nha Trang, Khánh Hòa) đầu năm 2016 với quân hàm trung úy và về chuyển loại tại Trung tâm Huấn luyện, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

                
      
         Đại úy Dương Lê Minh (trái) là giáo viên dạy bay cho hai học viên    Nguyễn Văn Tùng và Đặng Đình Duy. Ảnh: Thanh Niên

Theo báo Khánh Hòa, Đại úy Dương Lê Minh, giảng viên bay của Trung tâm Huấn luyện bay (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam), sẽ chẳng bao giờ quên ngày 29/4/2005. Đó là ngày cha anh, Thượng tá Dương Văn Thanh, nguyên Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 910, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mãi mãi ra đi khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện bay.

Đại úy Minh nhớ lại: “Ngày ấy, tôi cũng đang là học viên phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Nghe tin bố hy sinh khi làm nhiệm vụ, cả nhà đều suy sụp. Lúc ấy, mẹ tôi không muốn tôi theo nghiệp bay của bố.

Thế nhưng, hình ảnh bố tôi, một người lính bay đã sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ bình yên của Tổ quốc đã trở thành động lực, là niềm kiêu hãnh để tôi vươn lên, nỗ lực trở thành phi công”./

Thu Thủy/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ rơi máy bay ở Vũng Tàu: Tiếp tục tìm kiếm 3 phi công