Vùng cao Hàm Thuận Bắc: Phổ cập mầm non không lo “rớt” chuẩn

15/09/2016, 09:11

BT - Không còn tình trạng lớp ghép, vận động “hết hơi” để học sinh ra lớp, trẻ em 4, 5 tuổi ở 4 xã vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc bây giờ đều muốn đi học, ra lớp ở lại trường cả ngày mới về. Vì thế mà công tác phổ cập mầm non 5 tuổi luôn được duy trì và không lo “rớt” chuẩn.

         
   

   

      Trẻ 5 tuổi ở La Dạ ra    lớp khá đông

Trẻ đến trường nhiều hơn

Thời điểm đầu năm học mới tại những xã vùng cao này, trẻ 5 tuổi ra lớp đều đạt xấp xỉ 100%. Không phải xuống từng nhà vận động nhiều như trước đây, phụ huynh tự giác đưa con đến trường để yên tâm đến rẫy. Mặc dù không còn tình trạng lớp ghép, nhưng các điểm trường lẻ vẫn còn tồn tại. Thậm chí có nhà cách điểm lẻ khá xa khoảng 7 km, có điểm trường lẻ thôn Đa Tro cách điểm trường chính 25 km, khá xa và hẻo lánh. Thế nhưng các giáo viên vẫn cố gắng dạy học và đi về điểm chính họp mỗi tuần, phụ huynh thì đều đặn chở con đến trường học mỗi ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Đa Mi phấn khởi cho biết: Từ khi có bếp ăn được xây dựng tại trường, nhu cầu phụ huynh gởi con học bán trú tăng cao. Không chỉ trẻ 5 tuổi, mà trẻ 3, 4 tuổi cũng tăng hơn so mọi năm. Hầu hết là làm nông, phụ huynh đi vào rẫy từ sáng đến chiều tối mới về nên việc gởi trường trông trẻ là nhu cầu có thực. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, trường chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi ra lớp, còn lại tuyển một số ít  trẻ 3, 4 tuổi, vì thế nhu cầu phụ huynh đôi lúc chưa được giải quyết hết.

Tại xã vùng cao, thuần đồng bào dân tộc  thiểu số như  xã La Dạ, 5 năm nay tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đều đạt 100%. Điều đáng mừng điểm trường lẻ chỉ còn 2/5 điểm so trước đây, nhờ tạo điều kiện cho trường được đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học, thu hút trẻ đến học ngày càng nhiều. Với 6 phòng học cho cả điểm chính và 2 điểm lẻ, năm học này Trường mẫu  giáo La Dạ ưu tiên tuyển sinh trẻ 4, 5 tuổi. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Dự cho biết, do điều kiện kinh tế của một bộ phận phụ huynh còn khó khăn, nên nhiều em không được học bán trú, chỉ học 2 buổi/ngày, trưa về nhà ăn cơm. Mặc dù trường được hỗ trợ kinh phí xây bếp ăn, song nhiều phụ huynh vẫn không đủ sức để đóng tiền ăn một ngày 15.000 đồng cho con ở lại trưa. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời phát huy hết năng lực của bếp ăn tập thể, trường hợp đồng cấp dưỡng nấu ăn tại điểm chính, mỗi ngày vận chuyển thức ăn tới 2 điểm lẻ cho học sinh. “Từ ngày có bếp ăn, tỷ lệ chuyên cần được đảm bảo. Nhiều phụ huynh rất yên tâm khi gởi con đến trường”, cô Dự cho biết.

Giáo viên mầm non thiếu

Cán bộ phụ trách bậc học mầm non của Phòng GD - ĐT Hàm Thuận Bắc cho biết: Việc phổ cập mầm non trẻ  5 tuổi ở 4 xã vùng cao tưởng chừng sẽ rất khó khăn, bởi tư tưởng người dân ít đưa trẻ đến trường. Các trường trước đây phần lớn đều dạy 1 buổi/ngày, thiếu phòng học, thiếu sân chơi, thiếu trang thiết bị dạy học và cả bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, khi bắt tay vào phổ cập, huyện đặc biệt quan tâm tập trung phân khai kinh phí xây dựng phòng học hàng năm theo đúng lộ trình đạt chuẩn, các xã ưu tiên quy hoạch sử dụng đất đầu tư tập trung,  xóa bớt các điểm trường lẻ. Đồng thời đẩy mạnh điều tra, rà soát số liệu trẻ trong độ tuổi ra lớp. Chỉ trong thời gian ngắn, 4 xã đã hoàn thành phổ cập, về đích sớm hơn tất cả các xã còn lại của huyện.

Được biết, từ năm học trước nhờ sự quan tâm của Hội Khuyến học tỉnh, Ngân hàng Ngoại thương, Tổ chức Tầm nhìn thế giới, các trường mẫu giáo nơi đây được đầu tư xây dựng 3 bếp ăn tập thể với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Các điểm trường chính được đầu tư khang trang, đầy đủ điều kiện để tổ chức bán trú, đảm bảo cho trẻ được phát triển toàn diện. Nhất là chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh mẫu giáo người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo Phòng GD - ĐT Hàm Thuận Bắc, khó khăn nhất ở bậc học mầm non hiện nay không phải là chuyện ra lớp vắng trẻ mà tình hình giáo viên đang thiếu trầm trọng. Theo Thông tư liên tịch 06 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhóm trẻ mẫu giáo 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp. Thực tế hiện nay ở các trường chỉ có 1 cô đứng lớp, chỉ ưu tiên 2 cô cho lớp 5 tuổi. Toàn huyện thiếu trên 100 giáo viên, hiện mới hợp đồng được 56 giáo viên, số còn lại đang được “vét” hết nhưng không có người. Trước tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non, những người có chứng chỉ sư phạm cũng được hợp đồng cho giảng dạy. Thời gian tới, ngành giáo dục Hàm Thuận Bắc cần tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở mầm non công lập và tư thục, tránh tình trạng giáo viên không có bằng cấp, chứng chỉ được các cơ sở tự hợp đồng ồ ạt, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và chăm sóc trẻ.

Khánh Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Binh Thuan won A prize at the Folk Cake Competition in 2024
BTO – Two traditional cakes of Binh Thuan province, named “Banh hon” and “Banh quai vac” have excellently won the A prize at the Southern Folk Cake Festival for the 11th time in 2024 in Can Tho city. The two above-mentioned cakes are processed by chef Mai Van Linh (from the Professional Chef Association of the province).
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng cao Hàm Thuận Bắc: Phổ cập mầm non không lo “rớt” chuẩn