Vụ lao động ở Ả rập – Xê Út phản ánh bị ngược đãi: Báo cáo UBND tỉnh đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ

16/10/2016, 20:16

BTO- Chiều 16/10, ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết: UBND thị xã La Gi đã có báo cáo gởi UBND tỉnh để đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập – Xê Út hỗ trợ làm rõ, liên quan đến một số lao động và người thân có lao động nữ đi Ả rập – Xê Út phản ánh bị ngược đãi, bóc lột sức lao động và hỗ trợ để họ sớm về nước.   

                
      Chị My trở về từ Ả rập – Xê Út

Trước đó, một số người dân thị xã La Gi có đơn phản ánh về việc người thân của họ ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động ở Ả rập – Xê Út thông qua Công ty CP XNK vật tư thiết bị đường sắt (Virasimex) có chi nhánh tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, khi qua đến nơi, thay vì lao động 8 tiếng như trong hợp đồng thì họ phải làm việc từ 17 – 18 tiếng. Có trường hợp bị chủ ngược đãi, đánh đập và bị cưỡng hiếp.

Nhiều người muốn trở về quê tuy nhiên trước đó hợp đồng đã ký với các điều khoảng ràng buộc phá vỡ hợp đồng lên gần 100 triệu bao gồm tiền ràng buộc phá vỡ hợp đồng cùng các chi phí khác.

Chị Võ Thị My (33 tuổi, ngụ xã Tân Phước), một trong những người đền hợp đồng trở về cho biết: Lúc đầu chị nghĩ đi ra nước ngoài lao động mình sẽ cố gắng làm để ngày về dành dụm số tiền làm ăn phụ giúp gia đình. Thời gian đầu, người sử dụng lao động đối xử khá tốt. Tuy nhiên chị phải làm cật lực cả ngày không nghỉ. Do bất đồng ngôn ngữ, họ thường hay cáo gắt, chửi bới và đánh đập. Để trở về nước, cha mẹ chị My phải thế chấp sổ nhà và vay mượn để lo cho công ty 55 triệu đồng tiền phá vỡ hợp đồng. Tương tự, một số gia đình khác ở thị xã La Gi cũng gởi đơn đến cơ quan chức năng giúp đưa con gái hoặc vợ của họ về quê nhà do làm việc quá cực khổ và bị tấn công tình dục. Tuy nhiên chi phí bồi thường hợp đồng lên đến gần 100 triệu đồng vượt quá khả năng của họ.

Được biết, phía Công ty Virasimex cũng đã liên hệ địa phương để làm rõ các trường hợp phản ánh. Theo đó, phía công ty này cho biết: khoảng tiền gần 100 triệu phá vỡ hợp dồng ký với các lao động để ràng buộc trường hợp cá nhân người lao động tự xin về nước trước thời hạn với bất kỳ lý do gì, hoặc trước hạn hợp đồng do vi phạm pháp luật của nước bạn. Đồng thời trong đó bao gồm các chi phí ăn ở, đi lại, đào tạo, vé máy bay…Phía công ty cũng cho biết, những trường hợp lao động và người thân lao động phản ánh bóc lột, ngược đãi, cưỡng bức là không đúng. Thực tế, nhân viên công ty cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và động viên các lao động vì đây cũng là trách nhiệm của công ty không chỉ với người lao động mà còn người sử dụng lao động. Theo đó, hiện nay công ty đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ như phản ánh và cũng như phối hợp với các gia đình giải quyết trên tinh thần hỗ trợ nhau.

P.Sinh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ lao động ở Ả rập – Xê Út phản ánh bị ngược đãi: Báo cáo UBND tỉnh đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ