Trung thu đâu chỉ của trẻ

12/09/2016, 09:29

BT - Đã trở thành thông lệ, lễ hội Trung thu năm nay diễn ra khi năm học mới đi qua gần được một tháng. Ngày hội trăng rằm là niềm vui chung của các em nhỏ, được hòa mình vào không khí rộn ràng trên khắp con phố. Con trẻ thì nô nức, phấn khởi, nằng nặc đòi cha, mẹ chở đi xem rước đèn. Người lớn thì vui lây với con cháu mình và nhớ về một thuở ấu thơ đã từng trải qua. Khách du lịch thì thích thú, tò mò, muốn chiêm ngưỡng, tìm hiểu một lễ hội khá độc đáo, đặc sắc của Bình Thuận.

Chứng kiến lễ hội Trung thu được tổ chức hàng năm ở thành phố Phan Thiết, mới thấy hết sự vất vả của bao người. Để có những cộ đèn lớn, nhỏ, các trường học phải bắt tay vào chuẩn bị: tiền của, vật chất, con người, phương tiện, kế hoạch đi đứng, lộ trình, phương án xử lý dự phòng… Tiền là vấn đề quan trọng nhất để các trường tiến hành nhưng không phải là điều quyết định. Có thể vận động cha mẹ học sinh  đóng góp nhưng cách thức, gợi ý sao cho phù hợp với từng phụ huynh là điều các trường đã từng có kinh nghiệm. Vì đã có chủ trương không bắt buộc cha, mẹ học sinh đóng tiền để làm cộ đèn, nên nhiều trường đã vận dụng phương thức xã hội hóa. Âu cũng là một cách làm hay.

         
   

      

         Rất đông du khách nước ngoài hào hứng với lễ hội Trung thu tại Phan    Thiết. Ảnh: Đình Hòa

Một lễ hội diễn ra chỉ trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ nhưng biết bao con người đã phải lên kế hoạch chuẩn bị từ vài tháng trước. Ở cấp độ trường học thôi cũng khối việc: chọn học sinh, sắp xếp đội hình, bố trí thầy cô hướng dẫn, lực lượng bảo vệ theo đoàn, xe cộ, y tế… và cả chuẩn bị ăn chiều, nước uống, áo mưa cho các em, phòng khi trời mưa. Vẫn biết là nhiều việc đôi khi dẫn đến sai sót, khiến phụ huynh không hài lòng nhưng về cơ bản số trường đồng thuận tham dự vẫn nhiều hơn các trường không đồng tình. Điều này cho thấy ở góc độ tình thương với con trẻ, thầy cô, cha mẹ, xã hội luôn dành những tình cảm ưu ái, tốt đẹp nhất với thế hệ tương lai.

Việc vận động các bậc phụ huynh đóng góp để các trường có kinh phí trang trải cho lễ hội rước đèn là điều không ai muốn. Tuy nhiên, suy cho cùng các trường cũng không muốn “thêm việc”, thêm sự phiền phức (nếu có) xảy ra sau này. Vì đã trở thành một lễ hội thường niên hàng năm, có cả một ban chỉ đạo cấp thành phố hẳn hoi thì việc từ chối tham gia của các trường là không hợp lẽ. Chính vì vậy, cách thức tổ chức, triển khai của các trường ra sao sẽ là điều phản ánh khả năng xoay xở của người hiệu trưởng. Khả năng ở đây là lèo lái, đưa các hoạt động của trường đi vào quy củ, giữ được tiêu chí thi đua, tham gia lễ hội bằng nguồn kinh phí tự trang trải được mà không để lại “lời ong, tiếng ve”. Thế mới biết làm hiệu trưởng đâu phải sướng.

“Ra ngõ hỏi người già, về nhà hỏi con trẻ” là điều đã được cha ông ta dạy. Tôi đã hỏi rất nhiều các trẻ em về lễ hội Trung thu được tổ chức hàng năm, phần lớn các em đều rất thích thú và mong muốn được xem lễ hội này. Vậy thì bổn phận của người lớn phải có trách nhiệm chăm lo cho thế hệ là chủ nhân của đất nước, quê hương. Qua đó nâng lễ hội lên một tầm cao hơn, bởi không chỉ con em chúng ta mà ngay cả du khách trong, ngoài nước còn thích thú thì đây là việc nên duy trì thường xuyên. Bởi thế trách nhiệm của thế hệ chúng ta là rất… lớn với các em.

Như Nguyễn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung thu đâu chỉ của trẻ