Ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp:

10/10/2016, 08:33

Bài 1:  Cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết - có “đem con bỏ chợ”?

BT - Hơn 7 năm đi vào hoạt động, nhưng cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết như nhà vắng chủ. Hàng loạt công ty chế biến hải sản trong khu vực “kêu cứu” bởi những cam kết ban đầu bị chủ đầu tư phá vỡ. Mặc cho các doanh nghiệp gửi đơn kiến nghị nhiều lần, nhưng các ngành chức năng chỉ biết im lặng còn chủ đầu tư thì lặn… mất tăm!

Cảnh nhếch nhác, lộn xộn trong cụm công nghiệp.

Hạ tầng nhếch nhác…

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi ghé đến cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết (phường Lạc Đạo), nơi có gần 10 công ty chế biến thủy sản đang hoạt động, cứ như đi vào khu vực bỏ hoang nào đó. Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi đi thẳng ra hướng biển rồi rẽ trái, trước mặt chúng tôi là cụm công nghiệp không tường rào, không bảo vệ, không đường nhựa, không hệ thống đèn chiếu sáng… Ngoài các các công ty nằm san sát nhau thì khu vực còn lại chẳng khác nào bãi đất hoang, trở thành nơi đổ rác lý tưởng của những người dân sống gần đó. Dọc theo con đường đất đỏ vào cụm công nghiệp, bụi bay mịt mù khi những chuyến xe tải chở hàng chạy ngang qua. Vào sâu bên trong, chúng tôi không nghĩ đang ở cụm công nghiệp khi nơi đây trở thành điểm tập kết rũ lưới của ngư dân. Hai bên đường, xe cộ đậu ngổn ngang, dân đan lưới, buôn bán hải sản khá lộn xộn. Chưa kể, rác vương vãi khắp nơi, con đường dẫn vào cụm công nghiệp đầy ổ voi, ổ gà, sình lầy bốc mùi hôi thối và gây khó khăn, nguy hiểm cho người qua lại.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Trâm – Giám đốc Công ty CP Chế biến hải sản Kỳ Lân tâm tư: “Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất hải sản đóng hộp xuất khẩu, nên có nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc. Với hạ tầng nhếch nhác đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của công ty hợp tác làm ăn với các đối tác. Mỗi lần có đoàn khách đến thăm, chúng tôi phải tự bỏ kinh phí để đổ đất làm đường, dọn dẹp rác thải gần khu vực. Hơn 7 năm hoạt động, nhưng chủ đầu tư hoàn toàn không thực hiện những cam kết ban đầu, thậm chí họ không có bất cứ động thái kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ cụm công nghiệp. Mọi thứ được “thả nổi”…”.

Lần theo đường ống lộ thiên có đường kính khoảng 20cm cặp sát kè chắn sóng, chúng tôi được người dân gần khu vực xác nhận là ống bơm cát của Công ty CP Xây lắp thủy sản – chủ đầu tư cụm công nghiệp. Một đầu ống vẫn nằm dưới nước, nơi bơm cát lên nhưng đã không hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, đường ống lộ thiên vẫn nằm chễm chệ giữa đường, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực gần cảng. Khi chúng tôi đề cập đến hệ thống xử lý nước thải, anh Châu – một người dân làm việc trong khu vực này cho biết: “Chẳng biết, các công ty chế biến thủy sản xây dựng hệ thống nước xả thải ra sao khi cụm công nghiệp vẫn chưa hình thành hệ thống xử lý nước thải chung. Không biết các doanh nghiệp có xả thải ra biển không nhưng nguồn nước gần khu vực này đã đổi màu, bốc mùi hôi thối, cá tôm cũng thưa dần…?”.

Chủ đầu tư bất lực

Câu hỏi ấy dẫn chúng tôi phát hiện nhiều đường ống ngầm được đấu nối trực tiếp ra biển, có những đường ống được đắp xi-măng ngụy trang. Theo giải thích của nhiều doanh nghiệp thì trước khi xả ra biển, nước thải đã được xử lý sơ bộ?! Anh Trần Thanh Hiền – Quản đốc Công ty CP Chế biến thủy sản Kỳ Lân cho biết: “Công ty phải tốn hơn tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng, đạt chuẩn mà lẽ ra nhà đầu tư phải làm điều đó”. Vậy có bao nhiêu công ty có đủ tiềm lực xây dựng hệ thống nước thải riêng để tránh ô nhiễm môi trường? Một điều lạ nữa, 7 năm công ty đi vào hoạt động nhưng anh Hiền không rõ ai là người trực tiếp quản lý cụm công nghiệp hoang tàn này. Rất nhiều lần công ty gửi đơn kiến nghị, nhưng đáp lại là sự im lặng từ các ngành chức năng.

Đường ống xả thải ra biển được “ngụy trang” của một số DN tại cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết.

Hỏi doanh nghiệp cũng như người dân về BQL cụm công nghiệp, người ta chỉ biết nằm gần trường học. Chúng tôi tìm đến nhà làm việc của BQL cụm công nghiệp. Đó là căn nhà gạch ngói đã cũ, cửa đóng then cài và tường rào bảo vệ kín mít. Tiếp chúng tôi là người phụ nữ trung niên, tên Điệp được giới thiệu là văn thư kiêm bảo vệ! Giải thích việc BQL ngưng hoạt động nhiều năm nay, chị Điệp cho biết, tài chính công ty đang khó khăn nên dường như mọi công việc đang “đóng băng”. Để tiết kiệm chi phí, công ty đã cắt giảm hợp đồng, chỉ còn mình chị trông coi nhà cửa, nhận văn thư. Chúng tôi lo lắng cho an ninh của gia đình chị khi xung quanh là bãi đất trống, hoang vắng. Chị Điệp chia sẻ: “Thỉnh thoảng đám thanh niên “phê” ma túy cứ lảng vảng, thấy nhà mở cửa chúng vào xin nước để uống. Sợ quá nên tôi đành đóng cửa 24/24. Biết rằng còn “nợ” các doanh nghiệp nhiều lắm, nhưng giám đốc công ty cũng đành bất lực!”.

Có thể thấy, một cụm công nghiệp nằm trong lòng thành phố Phan Thiết mà lại hoang tàn, nhếch nhác thì liệu có ai muốn đến đầu tư? Mà đúng theo quy trình, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải được hoàn thiện, đảm bảo cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định…

Cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết do công ty CP Xây lắp thủy sản Việt Nam làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 20 ha, tổng vốn đầu tư hơn 53 tỷ đồng. Theo quy hoạch, cụm công nghiệp này sẽ chia làm 3 khu: khu chế biến thủy sản, khu dân cư và khu dịch vụ. Trong đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng và hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên đến thời điểm này, chủ đầu tư cũng thừa nhận không còn khả năng xây dựng tiếp. Hiện công ty đang lập dự án phân lô bán đất khu dân cư, từ đó mới có kinh phí đầu tư tiếp cơ sở hạ tầng. 

Điều tra: Thu Thủy – Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp: