Ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp:  Bài 2: Cần có sự đầu tư toàn diện

11/10/2016, 08:11

BT - Việc phát triển hệ thống các cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế địa phương. Để các cụm công nghiệp phát triển theo định hướng lâu dài, bền vững thì việc đầu tư hạ tầng, các công trình xử lý chất thải phải được triển khai đồng bộ. Thế nhưng thực tế, ở một số cụm công nghiệp ô nhiễm môi trường đã và đang xảy ra…

         
   

         

         Đường sá trong cụm    công nghiệp chưa được trải nhựa.

Thực trạng

Hiện toàn tỉnh có 21/32 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó có 19 cụm công nghiệp thu hút trên 240 dự án đầu tư, 115 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 7.350 lao động tại địa phương. Hầu hết các địa phương đều có các cụm công nghiệp, trong đó một số địa phương có cụm công nghiệp đảm bảo về mặt bằng để thu hút đầu tư như: Phan Thiết có Phú Hài, Nam Cảng cá; huyện Đức Linh có Mê Pu, Hầm Sỏi - Võ Xu; Tánh Linh có Nghị Đức, Gia An; Hàm Tân có Thắng Hải; La Gi có Tân Bình 1… Tuy nhiên thực tế kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở các cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, đa số đều chưa được đầu tư. Về nước thải có cụm công nghiệp chế biến thủy sản Nam cảng cá Phan Thiết và cụm công nghiệp chế biến nước mắm Phú Hài đang hoạt động ổn định, còn lại có tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Trong 10 cụm công nghiệp đang hoạt động chỉ có Phú Hài là có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500m3/ngày - đêm, còn lại chưa được đầu tư quan tâm đúng mức cho công tác bảo vệ môi trường hoặc đầu tư các công trình xử lý chất thải như cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết chúng tôi đã nêu trong bài trước.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống xử lý khí thải cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài một số cơ sở quy mô lớn có hệ thống xử lý khí thải, hầu hết các đơn vị còn lại đều thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, đặc biệt tại các cụm công nghiệp có loại hình chế biến hải sản, nước mắm, bột cá làm thức ăn gia súc, phân vi sinh… Hiện ở cụm công nghiệp Nam cảng cá Phan Thiết, theo đánh giá của cơ quan chức năng nồng độ bụi cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,1 - 1,3 lần.

Thực tế cho thấy quá trình thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn một số ngành nghề không phù hợp. Một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là khí thải, mùi hôi dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Thậm chí bà con đã gửi đơn khiếu kiện kéo dài, ngay cả doanh nghiệp cũng gửi đơn bức xúc như ở Nam cảng cá Phan Thiết và chế biến bột cá ở Phú Hài nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Đầu tư toàn diện

Thiết nghĩ để các cụm công nghiệp phát triển bền vững, vấn đề môi trường cần được các cấp, ngành quan tâm toàn diện hơn. Ngân sách tỉnh hàng năm bố trí đầu tư cho các công trình chất thải, hạ tầng cụm công nghiệp cần được quan tâm đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Thúc đẩy nhanh việc triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp. Kiến nghị Trung ương cần có chính sách hỗ trợ trong đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Chú ý xây dựng hạ tầng thiết yếu như điện, nước, hàng rào… cho ra bộ mặt của các cụm công nghiệp. Khi chọn nhà đầu tư cần chú ý về năng lực kinh tế, kinh nghiệm quản lý để tránh đầu tư nửa vời, “mang con bỏ chợ”.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới ngành chức năng cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư các khu công nghiệp và các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường của các khu công nghiệp, các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận, phê duyệt. Đảm bảo các khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động chính thức phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, các dự án áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng…

         
            Tại cuộc họp thường kỳ 9 tháng năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy,    ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư Tỉnh ủy cũng đề cập: “Tại sao các    ngành chức năng lại để xảy ra tình trạng cụm công nghiệp Nam cảng cá    Phan Thiết không có người quản lý trong thời gian dài, gây phiền hà    và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp? Các sở,    ngành cần tìm ra nguyên nhân và giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Điều tra: Thu Thủy - Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp:  Bài 2: Cần có sự đầu tư toàn diện