Tưng bừng Lễ hội Katê năm 2016

30/09/2016, 17:11

BTO- Sáng 30/9, tại Di tích tháp Pô Sah Inư, diễn ra Lễ hội Katê năm 2016. Đến dự lễ hội có đồng chí Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng hàng ngàn người dân viếng lễ và du khách tham quan.

 Theo truyền thống hằng năm, Lễ hội Katê được tổ chức đúng ngày 1 tháng 7 Chăm lịch. Năm nay, Lễ hội Katê của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn diễn từ ngày 29 - 30/9 tại tháp Pô Sah Inư. Katê là lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Katê còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.


 Ngay sau phần khai mạc, phần rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư, mở cửa tháp, tắm bệ thần Linga – Yoni được xem là nghi lễ quan trọng nhất của Lễ hội Katê. Tham gia đoàn rước y phục từ chân tháp đến đền tháp chính, có các chức sắc người Chăm theo đạo Bàlamôn, thầy kéo đàn Kanhi, kiệu y phục, thiếu nữ Chăm múa quạt, nhạc lễ truyền thống, những thanh thiếu niên phụ lễ. Trước ngôi tháp thiêng liêng các thiếu nữ Chăm, nhóm nhạc lễ, thầy kéo đàn kanhi.. tiến hành nghi thức múa mừng chào đón các vị thần về với dân làng trong ngày đại lễ. Và khi điệu múa kết thúc thì lễ rước y phục cũng hoàn tất. Lúc này các tu sỹ bắt đầu xin phép thần mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần Linga – Yoni,  lễ mặc trang phục và cúng mừng Ka tê.

 Phần lễ diễn ra trong không khí thiêng liêng, thành kính, tỏ lòng biết ơn tổ tiên và các vị thần. Điểm nhấn của phần hội là các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian tôn vinh sắc màu dân tộc, thể hiện rõ nét trong lối trình diễn nhạc cụ, cách diễn xướng và các điệu múa mang đậm chất dân gian. Đa số du khách tỏ ra ngạc nhiên và thán phục trước tài nghệ của các nghệ nhân biểu diễn nặn gốm, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống của người Chăm. Ngoài ra, trong phần hội còn có những trò chơi dân gian truyền thống như: bịt mắt đập niêu, đội nước vượt chướng ngại vật, thổi kèn Saranai, đánh trống Baranưng… đã thu hút nhiều khách tham quan. Lúc này, tất cả mọi người như cùng hòa mình vào câu ca, điệu múa, vào những tiếng hò reo cổ vũ không ngớt.

 Trước đó, ngày 29/9, tại di tích tháp Pô Sah Inư đã diễn ra hội thi Đơm lễ vật dâng cúng nữ thần được các nghệ nhân Chăm thực hiện hay chương trình giao lưu văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc Chăm… Các tiết mục miêu tả đậm nét dân gian của các diễn viên không chuyên cùng với nghệ nhân của 4 huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc.

 Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm đã góp phần làm phong phú di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước nét văn hóa đặc sắc của Bình Thuận nói chung và văn hóa của cộng đồng người Chăm nói riêng.

H. Châu. Ảnh, CLip: Ngọc Lân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tưng bừng Lễ hội Katê năm 2016