Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

12/09/2016, 08:53

BT - Xây dựng trường chuẩn quốc gia là chủ trương quan trọng mang tính chiến lược lâu dài của ngành giáo dục và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Trong những năm qua, Bình Thuận đã có nhiều cố gắng triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tuy vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

         
   

   

         Trường tiểu học Phú Trinh 1. Ảnh: Đình Hòa.

Mới đạt 25,67%

Qua 7 năm (2008 – 2015) triển khai thực hiện đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh mới có 152/592 trường được công nhận đạt chuẩn, chiếm 25,67% tổng số trường học. Tuy vượt 0,67% kế hoạch đề ra nhưng tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp, nhất là hệ mầm non, mẫu giáo chỉ có 16 trường/161 trường đạt chuẩn, đạt 9,94%; kế đến là trường tiểu học 82 trường/277 trường đạt chuẩn, đạt 29,6% tổng số trường. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chưa chú ý đúng mức đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, chưa nhận thức đầy đủ quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” nên chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia xây dựng trường chuẩn quốc gia. Từ đó việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho các trường học chưa bảo đảm theo quy định; nhiều trường xây dựng trước đây thiếu sân chơi, bãi tập, thiếu các phòng chức năng, kể cả phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú (ở hệ mầm non). Việc cân đối kinh phí để đầu tư, sửa chữa, xây dựng mới trường lớp, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ dạy và học vẫn còn khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, thực hiện xã hội hóa trong đầu tư chưa được nhiều. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thầy, cô giáo chưa đồng đều giữa các địa bàn; giáo viên nhạc, họa, mầm non ở một số nơi còn thiếu. Tỷ lệ học sinh khá – giỏi ở cấp trung học phổ thông ít; tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém ở bậc trung học cơ sở còn nhiều (gần 15%); tỷ lệ học sinh bỏ học còn khá cao so với quy định của một trường chuẩn quốc gia.

Phấn đấu đạt 40%

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 40% số trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020 phải có thêm 88 trường đạt chuẩn, để đến năm 2020 toàn tỉnh có 240/600 trường đạt chuẩn quốc gia. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải vào cuộc chủ động, tích cực với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Điều đầu tiên phải làm đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng, chung sức, chung lòng xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tiếp đến là phải phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của hội đồng sư phạm, ban giám hiệu nhà trường; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức các hoạt động trong nhà trường của hiệu trưởng các trường. Xây dựng đội ngũ giáo viên các cấp học đạt chuẩn, bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu, không ngừng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh.

Qua khảo sát, trong 88 trường dự kiến xây dựng trường chuẩn quốc gia trong những năm đến còn có 15 trường chiếm 17% chưa đạt chuẩn yêu cầu về đội ngũ giáo viên. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngăn chặn bạo lực học đường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban. Cân đối nguồn lực, tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất theo kế hoạch, lộ trình đối với các trường dự kiến đạt chuẩn quốc gia gắn với duy trì trường chuẩn quốc gia đã công nhận. Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường mới, nhất là các trường mầm non, tiểu học. Theo khảo sát, về tiêu chuẩn cơ sở vật chất thì có đến 60 trường/88 trường chưa đạt chuẩn, chiếm 68% và nhu cầu kinh phí để thực hiện mục tiêu đề ra lên đến 298,5 tỷ đồng. Kinh phí lớn, ngân sách nhà nước có hạn; do đó phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng đầu tư phát triển trường, lớp theo quy hoạch gắn với xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; vận động các nhà hảo tâm tài trợ thiết bị dạy và học cho các trường theo chương trình kiên cố hóa trường, lớp để đạt chuẩn theo quy định. Phải phát huy đúng mức vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Trong thời gian tới các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị phải triển khai đồng bộ, tích cực và nỗ lực thực hiện hệ thống giải pháp trên đây. Có như vậy mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40% trường đạt chuẩn quốc gia như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.  

Hương Lam


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia