Nhà văn Võ Nguyên: Chênh chao đôi bờ hư - thực

07/10/2016, 07:45

BT - Nhà giáo - nhà văn Võ Nguyên vừa cho ra mắt độc giả tập thơ mới có tựa đề “Đêm hoàng cung” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập thơ gồm 60 bài được ông sáng tác trong thời gian qua với những thể loại, tứ thơ mới đưa đến người đọc. Chúng ta trò chuyện cùng ông để hiểu thêm điều tác giả muốn gởi gắm qua tập sách này.

Thưa nhà văn Võ Nguyên, con số 60 bài thơ được in trong tập hẳn mang một ý nghĩa nào đó, ông có thể giải thích lý do được không ạ?

Nhà văn Võ Nguyên: Cảm ơn anh đã đọc và nắm cả số lượng bài trong tập thơ. Đúng như nội dung anh hỏi, hết năm nay là tôi nghỉ hưu, nên tôi đã chọn 60 bài thơ ưng ý để in thành tập, làm kỷ niệm, đánh một dấu mốc 60 năm cuộc đời và sự nghiệp của mình. 

         

Ông lấy tựa đề của tập thơ là “Đêm hoàng cung” gợi cho độc giả liên tưởng đến những điều xưa cũ, và trong tập thơ ông cũng đã có một số bài nói về điều này. Vậy ông tìm gì trong những rêu phong xa xăm đó?

Nhan đề “Đêm hoàng cung” không bao trùm được hết chủ đề, đề tài của tập thơ. Nhưng “Đêm hoàng cung” là một ám gợi huyền thoại để chuyển tải, gởi gắm nỗi niềm thuộc thế giới tâm linh, với những gì đẹp đẽ, thẳm sâu, dữ dội, khổ đau, hạnh phúc nằm trong quy luật tình đời, tình yêu lứa đôi, quê hương, lịch sử… Tôi hay nhắc đến “rong rêu” nhưng đâu có miêu tả rong rêu, mà muốn qua nó để lắng nghe cái thế giới trầm tích diệu kỳ đầy bí ẩn.

Hầu hết những sáng tác được in trong tập thơ này mang hơi hướng thơ tình, tuy nhiên không hoàn toàn là như vậy phải không ạ? Và ông muốn nói điều gì qua những tứ thơ như thế?

Trong lời giới thiệu đầu sách, nhà văn Nhật Chiêu đặt ra mấy vấn đề: Niệm - là tưởng niệm, tìm về, Khuyết - đặt vấn đề về huyền thoại, và Nguyên là đi tìm bản ngã. Tuy nhiên còn một vấn đề nữa, đó là yếu tố phồn thực, nếu ai để ý sẽ thấy thấp thoáng trong nhiều bài.

Bên cạnh đó khi viết, cảm thức sáng tác vừa có yếu tố hiện sinh,  bám vào cuộc sống thực tại, vừa có yếu tố siêu thực, muốn lẩn đi tìm một thế giới mà ở đó, có lẽ chỉ cảm nhận được qua yếu tố tâm linh. Cũng có người đọc đồng cảm, nhưng có người lại cảm thấy khó hiểu. Ở những bài như thế, tôi viết theo thể lục bát quen thuộc, độc giả cảm nhận âm hưởng trước, từ đó nếu ai chịu khó ngẫm nghĩ sẽ hiểu được.

Trong tập, bên cạnh những thể thơ truyền thống, có một số bài được viết theo thể tự do. Theo ông, hình thức thể hiện có liên quan nhiều đến tác giả cũng như nội dung muốn đề cập không?

Hình thức là một trong những yếu tố quan trọng, có những bài thơ tôi viết theo lối cũ như lục bát, bảy chữ; có những bài thơ tự do, rơi chữ… tùy theo cảm xúc, mình phải diễn đạt như thế mới bộc lộ ra được điều muốn nói. Cũng có những bài thơ văn xuôi, đó là sự dàn trải lòng mình ra.

Song hành cả văn xuôi và thơ với 3 tập truyện ngắn và 2 tập thơ, sắp tới đây ông sẽ tập trung vào mảng nào hơn ạ?

Tôi sẽ tiếp tục viết, nhưng tùy thuộc vào cảm hứng, không dành riêng cho thể loại nào hơn. Có lẽ tôi sẽ viết thêm ở mảng nghiên cứu, lý luận - nhất là những nội dung liên quan trong chương trình học phổ thông.

Xin cảm ơn nhà giáo - nhà văn Võ Nguyên về cuộc trò chuyện này và chúc ông có nhiều sáng tác mới hay hơn nữa trong thời gian tới!

THÀNH CHƯƠNG


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Võ Nguyên: Chênh chao đôi bờ hư - thực