Tái nhiễm sốt xuất huyết có khả năng tử vong

13/09/2016, 09:02

BT - Từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao và diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh ghi nhận 1.505 ca trong đó có 60 ca nặng, không có trường hợp tử vong, tăng 761 ca so cùng kỳ 2015 (744 ca). Các địa phương có số ca mắc cao gồm Hàm Thuận Bắc 409 ca, Đức Linh 311 ca, Phan Thiết 275 ca… Đáng chú ý, người lớn mắc SXH có xu hướng tăng theo từng năm. Nếu 8 tháng năm 2015 có 261 số ca mắc người lớn, thì 8 tháng năm 2016, số này tăng thêm 248 ca, nâng tổng số là 509 ca mắc người lớn. 3 xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc (Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ) trước đây không ghi nhận trường hợp mắc SXH, nhưng năm nay đã ghi nhận 56 trường hợp.

Ông Hoàng Văn Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, bệnh sốt xuất huyết tăng là do thời tiết diễn biến phức tạp, người dân tích trữ nhiều nước trong mùa hạn hán nhưng không được sử dụng hết hoặc không xử lý triệt để, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng sinh sôi, phát triển. Một phần do một số người dân còn thiếu ý thức, còn chủ quan đối với dịch bệnh. Riêng 3 xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc, tình hình sốt xuất huyết có giảm từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, nhờ phun hóa chất trên diện rộng tại 3 xã này.

Các chuyên gia ngành y tế cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết Dengue do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4 đang lưu hành ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Vì vậy, người dân có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp khác nhau vào năm sau, khả năng xảy ra tử vong. 

Theo ông Hùng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phát động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, trung tâm giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; có biện pháp xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết bằng cách phun hóa chất. Đặc biệt, người dân thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nơi trú ngụ của lăng quăng, các dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy, thường xuyên súc rửa, thả cá ăn lăng quăng vào hồ chứa nước… Người dân đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu bệnh, không tự ý điều trị tại nhà.

Trang Minh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái nhiễm sốt xuất huyết có khả năng tử vong