Phan Thiết với bài toán lập lại trật tự đô thị

22/09/2016, 08:08

BT- Sau thời điểm được nâng cấp từ thị xã lên thành phố vào năm 1998, Phan Thiết liên tục có bước chuyển mình mạnh mẽ để xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Đi kèm với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, lời giải cho bài toán lập lại trật tự đô thị luôn được đặt ra khá cấp thiết khi Phan Thiết được công nhận là đô thị loại 2. Khách quan mà nói, chính quyền thành phố đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là các lĩnh vực trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường.

                
Cắt tỉa cành cây làm đẹp mỹ quan đô thị.    Ảnh: Đ.Hòa

Bộ mặt đô thị vẫn còn nhếch nhác

Mặc dù chỉ mới hình thành cách đây chưa lâu, tuy nhiên tình hình ô nhiễm môi trường do rác thải tại các khu dân cư phíabắc Phan Thiết đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Vì là khu dân cư mới nên tại nhiều tuyến đường vẫn đang tồn tại các lô đất trống chưa được sử dụng. Lợi dụng đặc điểm này, nhiều cá nhân thiếu ý thức đã lén lút vứt bỏ đủ mọi thứ rác thải ngổn ngang trên nhiều tuyến đường. Một số tuyến nội bộ trong khu dân cư, không khó bắt gặp hình ảnh rác chất thành đống, chiếm gần nửa lòng đường. “Gia đình tôi mới mua đất ngoài khu Đông Xuân An được hơn một năm, tuy nhiên ai cũng ngán ngẩm với nạn vứt bỏ rác bừa bãi. Sau mỗi đêm trôi qua tôi lại thấy đống rác mới xuất hiện ngay cạnh lô đất trống sát nhà. Có những hôm trời trở gió, rác bay tứ tung, tràn hết xuống đường, rất mất mỹ quan” - ông Nguyễn Mười, người dân phường Xuân An nói.

Công bằng mà nói, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn Phan Thiết được sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt của UBND thành phố bằng việc đưa nội dung này vào kế hoạch ưu tiên thực hiện. Hàng năm, UBND TP. Phan Thiết chỉ đạo Phòng quản lý đô thị phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận cùng UBND 18 phường, xã tổ chức các đợt tổng vệ sinh trên địa bàn. Tuy nhiên trên thực tế, một số điểm sau khi dọn dẹp xong vẫn tái diễn tình trạng ô nhiễm do rác thải mà địa phương không xử lý được như: điểm trung chuyển rác cũ trên đường Lê Duẩn, đoạn cuối đường Phạm Văn Đồng, đường Tôn Đức Thắng (bên hông Nhà thi đấu tổng hợp Bình Thuận), đường Trần Hưng Đạo (trước Sở Giao thông – Vận tải), khu dân cư Đông Xuân An… “Vấn đề này được UBND TP. Phan Thiết hết sức quan tâm. Vừa qua chúng tôi cũng đã tổ chức họp để bàn phương hướng xử lý các điểm nóng về rác thải và yêu cầu phòng, cơ quan chuyên môn vào cuộc để khắc phục những điểm rác tồn đọng kéo dài. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đang phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận tổ chức thu gom rác vào ban đêm, thay vì ban ngày như trước đây để hạn chế tình trạng rác thải tràn ngập ở các điểm trung chuyển cả ngày” - ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết.

Ngoài những bức xúc về rác thải thì sự tồn tại của các cơ sở phế liệu trong trung tâm TP. Phan Thiết cũng đang gây ra không ít lo ngại. Hiện nay, trên địa bàn Phan Thiết có tất cả 96 cơ sở kinh doanh, tập kết phế liệu. Trong đó, riêng khu vực 14 phường đã có đến 72 cơ sở. Đó là chưa kể đến hàng chục cơ sở hàn xì nằm ngay trong khu dân cư, trên các trục đường chính. Nguy cơ cháy nổ, vệ sinh môi trường, tiếng ồn từ hoạt động của các vựa phế liệu liên tục được người dân phản ánh. Bên cạnh đó, hiện nay đa phần các hộ hoạt động nghề này đều không có giấy phép kinh doanh cũng như đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, gây khó khăn trong công tác quản lý. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có lộ trình và phương pháp di dời các cơ sở này ra khỏi trung tâm TP. Phan Thiết ngay trong năm 2016. Theo đại diện lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết, việc triển khai kế hoạch di dời các điểm thu mua phế liệu ra khỏi nội thành đang được triển khai đồng bộ ở các phường, xã. Hiện nay tất cả cơ sở buôn bán ngành nghề này đều đã nhận được thông báo di dời từ các địa phương. Và theo chủ trương của TP. Phan Thiết, 3 tháng sau thời điểm nhận thông báo, các chủ hộ phải ngưng hoạt động ở khu vực trung tâm thành phố.

Trên lĩnh vực trật tự xây dựng, một khi đô thị được mở rộng, kiến trúc hạ tầng được quy hoạch để phục vụ cho phát triển chung thì các trường hợp vi phạm về đất đai đang có chiều hướng gia tăng. Những năm qua, tình hình xây dựng trái phép tại các phường Phú Thủy, Phú Tài, Mũi Né, Đức Long…xuất hiện phổ biến ở nhiều khu dân cư. Mặc dù vi phạm đã rõ, tuy nhiên hiện nay có nhiều phường, xã chưa kiên quyết trong triển khai thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai. Trong đợt rà soát gần đây nhất cho thấy, năm 2015, Phan Thiết vẫn có 79 quyết định hết thời hiệu, gây thất thoát ngân sách và tạo ra tiền lệ xấu trong công tác quản lý nhà nước. Còn theo thống kê từ Phòng Quản lý đô thị Phan Thiết, từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố có hơn 2.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Trong đó, có 944 trường hợp hộ dân chấp hành quyết định vi phạm, tự tháo dỡ; còn lại 1.130 trường hợp chưa chấp hành.  

Đẩy mạnh chỉnh trang đô thị

Trong buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết vào cuối tháng 7/2016, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận những nỗ lực của Thành ủy -UBND TP. Phan Thiết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý trật tự đô thị, xây dựng và vệ sinh môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng mà thành phố cần phải quan tâm giải quyết ngay trong thời gian đến. “Trong thời gian qua phải nói rằng Phan Thiết so với các đơn vị khác thì đã có những sự cố gắng, bám sát những nghị quyết trọng tâm để tiến hành thực hiện. Thế những để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển đô thị thì Phan Thiết vẫn còn một khoảng cách khá xa… Trong thời gian đến, yêu cầu thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch chung xây dựng TP. Phan Thiết, quy hoạch phân khu điều chỉnh các phường trên địa bàn, quy hoạch chỉnh trang lại một số dự án đã được UBND tỉnh giao thành phố thực hiện… Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị Phan Thiết thì tất cả các cơ sở chế biến, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó có kinh doanh phế liệu, rèn, hàn… không được để trong khu dân cư nữa” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Không riêng gì TP. Phan Thiết, song hành với quá trình đô thị hóa thì bất kỳ địa phương nào trên cả nước cũng vướng phải những hạn chế về trật tự đô thị. Điều quan trọng đó chính là chiến lược quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị phải đảm bảo hài hòa giữa lộ trình xây dựng với việc điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp nhu cầu thực tế của người dân. Cũng cần nhắc lại rằng, nhiệm vụ lập lại trật tự đô thị đã và đang được TP. Phan Thiết xem là quyết tâm chính trị cần ưu tiên hàng đầu. Hàng năm, các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương lập lại trật tự đô thị gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ngoài ra, chính quyền TP. Phan Thiết cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xác định nhiệm vụ trọng tâm, khu vực, tuyến đường trọng điểm, qua đó huy động phương tiện, lực lượng tập trung giải quyết những vi phạm về xây dựng, môi trường, trật tự lòng lề đường… Lẽ dĩ nhiên, để vấn đề lập lại trật tự đô thị ổn định, bền vững lâu dài không thể thực hiện được ngay trong một sớm, một chiều và chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, ngành chức năng mà đó còn là ý thức trách nhiệm của cả xã hội chung tay giữ cho TP. Phan Thiết xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn...

Châu Tỉnh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết với bài toán lập lại trật tự đô thị