Gần 20.000 lao động bị hệ lụy vì doanh nghiệp nợ…

18/10/2016, 08:06

BT- Gần 20.000 lao động ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được hưởng chế độ và không ít lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không kết được số bảo hiểm, vì 834 đơn vị, doanh nghiệp đang nợ dây dưa hoặc trốn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT).

Quyền lợi người lao động bị xâm hại

Theo ông Trần Văn Thế, Trưởng phòng Thu BHXH Bình Thuận, năm 2016 tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp tăng đột biến. Đến hết tháng 9/2016, số tiền ngân sách nợ và các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến 181.814 triệu đồng, chiếm 11,22% số thu; tăng 26.471 triệu đồng so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nợ BHXH hơn 106.132 triệu đồng; nợ BHYT 70.682 triệu đồng (ngân sách nợ gần 50 triệu đồng); nợ BHTN gần 4.681 triệu đồng. Đáng lưu ý hơn, ngoài 411 đơn vị (với 11.979 lao động) nợ chậm đóng số tiền 23.700 triệu đồng thì khoản nợ kéo dài (từ 3 tháng trở lên) của 423 đơn vị, doanh nghiệp khác trong toàn tỉnh (7.909 lao động) với số tiền 52.900 triệu đồng. Đây là điều lo ngại của cơ quan quản lý quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động bị xâm hại nghiêm trọng…

Các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT kéo dài cũng đồng nghĩa với người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhưng không được thanh toán chế độ khi họ ốm đau, bệnh tật, mang thai, sinh đẻ hoặc bị tai nạn lao động. Không ít lao động đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa đủ 20 năm đóng BHXH vì người sử dụng lao động nợ tiền BHXH nhiều năm liền. Bà P.T.H, nhân viên Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bình Thuận bức xúc nói: “Tôi làm việc ở đây đã 22 năm, hàng tháng công ty đều trích tiền lương đóng BHXH nhưng khi tôi đến tuổi nghỉ hưu thì số năm đóng BHXH chưa đủ 20 năm do từ năm 2013 đến nay, công ty không nộp tiền  BHXH, BHYT theo quy định. Giờ đây tôi không được hưởng chế độ hưu  trí. Việc làm sai, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng thiệt thòi thì người lao động phải gánh chịu...”

 Thu nợ… chưa có giải pháp hữu hiệu

Hàng năm nợ BHXH, BHYT chiếm tỷ lệ 10 - 11% tổng số thu, vượt cao hơn mức nợ cho phép rất nhiều lần. Nguyên nhân nợ có nhiều lý do. Về khách quan có phần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung cả nước nên sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; do công trình xây dựng đã hoàn thành, nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán; một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có khả năng trả lương công nhân… Song, mặt chủ quan đó là không ít doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí. Hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng nên doanh nghiệp cố tình chậm đóng, chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT. Ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh cho biết: “Việc các doanh nghiệp nợ BHXH ngày càng tăng, nhưng giải pháp thu nợ dường như bế tắc. Trước đây ngành BHXH được khởi kiện ra tòa án đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT kéo dài và đã thu được những kết quả nhất định.

Nhưng từ khi có Luật BHXH sửa đổi thì việc khởi kiện được giao cho hệ thống công đoàn. Thực tế từ đầu năm đến nay, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào, nên các chủ doanh nghiệp càng chây ỳ việc trả nợ. Trong lúc đó bộ phận Thanh tra của ngành BHXH tuy được Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể nên lúng túng trong thu hồi nợ. Đây là điều bất cập trong việc thu nợ hiện nay…”.

Hiện tại ngoài 423 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT kéo dài từ 3 tháng trở lên thì còn có một số doanh nghiệp nợ tiền BHXH không thể thu được do đơn vị đã giải thể, không còn chi nhánh tại Bình Thuận hoặc đã bán cho đơn vị khác như: Công ty TNHH 508 nợ 103 tháng với số tiền hơn 1.900 triệu đồng; Công ty TNHH Suối Cát nợ 45 tháng với số tiền 266,5 triệu đồng; Công ty TNHH TM-SX-CB gỗ Huy An nợ 62 tháng với số tiền 512,1 triệu đồng; Chi nhánh công ty TNHH DV-BV Hoàng Khương nợ 69 tháng với số tiền 720 triệu đồng… Các đơn vị này nợ vẫn “treo” nhưng trụ sở, con người thì không có thực tại Bình Thuận.

 Cần biện pháp mạnh

BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng. Đây là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội. Do vậy các cấp, các ngành liên quan, cần tuyên truyền, vận động và có biện pháp mạnh trong thu nợ để giảm thiểu nợ đọng, nợ kéo dài. Ngành BHXH (hỗ trợ về số liệu) phối hợp với tổ chức Liên đoàn Lao động tiến hành khởi kiện các đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH; triển khai Nghị định của Chính phủ về thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Mặt khác, chính quyền địa phương, ngành chức năng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, giải quyết những “điểm nóng” nợ bảo hiểm… Vì thực tế có doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền lương công nhân, nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN hơn 10 tỷ đồng, nhưng các chủ đầu tư công trình của Nhà nước còn nợ doanh nghiệp hơn 7 tỷ đồng (Công ty CP Tư vấn xây dựng Bình Thuận). Đối với đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, xâm hại đến quyền lợi của số đông người lao động, cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm minh theo điều 216 Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Điều 216 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nói rõ tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động với hình phạt nghiêm khắc: Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm mà trốn đóng bảo hiểm có thể bị xử phạt với mức cao nhất đến 7 năm tù.

    
    Các đơn vị nợ số tiền lớn kéo dài nhiều năm như: Công ty cổ phần Bảo trì   và sửa chữa đường bộ 71 nợ 260 triệu đồng; Trung tâm sinh hoạt dã ngoại   thanh thiếu niên tỉnh nợ 202 triệu đồng; Công ty cổ phần đầu tư 577 Bình   Thuận nợ 200 triệu đồng; Công ty Hải Thuận nợ 601 triệu đồng; Trường mẫu   giáo tư thục Nguyên Anh 1 nợ 191 triệu đồng; Công ty cổ phần Thép Trung   Nguyên nợ 367 triệu đồng; Công ty cổ phần Công trình giao thông Bình   Thuận nợ 1.698 triệu đồng; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bình Thuận nợ   2.532 triệu đồng; Công ty cổ phần Khang Nông nợ 771 triệu đồng; Công ty   cổ phần du lịch Sài Gòn - Suối Nhum nợ 321,8 triệu đồng; Công ty TNHH DV   - BV Bình Thuận nợ 299,8 triệu đồng…

LÊ THANH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 20.000 lao động bị hệ lụy vì doanh nghiệp nợ…