Dân lo là có cơ sở

16/09/2016, 08:16

BT - Hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển từ Nhà máy thép Formosa còn ngổn ngang, thì dư luận dấy lên lo ngại về dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) sẽ là một “Formosa thứ 2”. Dù người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen mạnh miệng tuyên bố: Sẽ giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước, nếu dự án làm ô nhiễm môi trường! Nhưng dư luận vẫn hoài nghi, lo ngại. Đơn giản vì người dân không hề muốn ngửa tay chờ tiền đền bù hỗ trợ khi xảy ra sự cố. Hơn nữa khi xảy ra thảm họa môi trường, thì không phải nhà đầu tư, hoặc cơ quan cấp phép đầu tư, mà chính nhân dân vùng dự án phải gánh chịu hậu quả lâu dài.

Cà Ná là một vùng biển rất đẹp, giáp ranh 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Dự án thép Hoa Sen Cà Ná nếu xảy ra sự cố môi trường, thì không chỉ Ninh Thuận mà vùng biển Phan Thiết – Mũi Né cũng lãnh đủ.

Như một hội chứng lan truyền thời kỳ “hậu Formosa”, người dân nghi ngại cả các dự án đã được cấp phép đang triển khai xây dựng. Báo Bình Thuận vừa phản ánh các lo lắng của người dân huyện Bắc Bình về nguy cơ môi trường bị ô nhiễm khi khu công nghiệp chế biến titan Sông Bình đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Đây là KCN chế biến titan lớn nhất Việt Nam, quy mô 300 ha, nằm trên địa bàn xã Sông Bình (huyện Bắc Bình), cách TP. Phan Thiết 50 km, cách cảng Vĩnh Tân (Tuy Phong) 60 km. Ngày 30/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung KCN Sông Bình tỉnh Bình Thuận. Cuối năm 2013 Bộ Tài nguyên – Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này. Tháng 11 năm ngoái chủ đầu tư đã khởi công xây dựng KCN.

Người dân của xã Sông Lũy và Sông Bình lo ngại rằng: Khi KCN titan đi vào hoạt động thì nước thải sau khi xử lý sẽ thải ra kênh thủy lợi và hòa vào dòng sông Lũy. Theo thời gian có ai dám chắc sông Lũy không bị ô nhiễm? Nhiều dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng khi hoạt động vẫn gây ô nhiễm, nhất là các dự án khai thác, chế biến titan. Hàng loạt vụ vỡ hồ chứa, tràn bùn thải, khiến dư luận lo lắng. Nhất là khi KCN titan Sông Bình nằm nơi đầu nguồn sông Lũy, nếu kiểm soát chất thải không chặt, sẽ gây ra hậu quả lớn.

Dân lo lắng không phải mơ hồ, mà có cơ sở. Thực tế hoạt động khai thác titan thời gian qua, dù mới nhỏ lẻ 5 - 7 triệu tấn mà môi trường đã bị ảnh hưởng nặng, thảm thực vật và diện mạo bờ biển bị biến dạng do hoàn thổ kém, môi trường đất và nước bị ô nhiễm. Khi KCN Sông Bình đi vào hoạt động, tất yếu các mỏ titan phải tăng cường khai thác quy mô rộng hơn, sâu hơn, để cung cấp nguyên liệu cho KCN, nguy cơ môi trường sẽ tăng cao hơn nếu lơi lỏng quản lý giám sát.

Bình Thuận có khoảng 599 triệu tấn khoáng sản titan, chiếm 92% trữ lượng và tài nguyên titan của Việt Nam. Theo Quyết định 1546 ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan đến năm 2020, có xét tới năm 2030, đã xác định: “Xây dựng và phát triển Bình Thuận thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”!. Chính phủ cũng quy định rõ: Các dự án khai thác và chế biến quặng titan phải thực hiện công tác hoàn thổ theo quy định, phải sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm điện, nước, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Phản hồi vấn đề này trong mục “Ý kiến bạn đọc” gửi về Tòa soạn báo, bạn đọc Nguyễn Thị Kim Dung viết: “Là một người dân thuộc xã Sông Bình nơi có KCN titan, tôi cũng như bao người dân cảm thấy hết sức lo lắng. Đã có rất nhiều vụ việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nên việc người dân chúng tôi lo lắng cũng là điều bình thường. Vì vậy mong các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ cần giám sát chặt chẽ, có trách nhiệm, có lương tâm để bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

K.N


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân lo là có cơ sở