Hàm Thuận Bắc: Vào đợt cao điểm phòng bệnh đốm nâu

15/09/2016, 09:07

BT - Cùng với các địa phương trồng thanh long trên toàn tỉnh, hiện 13 xã, thị trấn của huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quân vệ sinh vườn thanh long theo chỉ đạo của UBND tỉnh… 

         

Dân đồng lòng “vào cuộc”

BT - Nhiều vườn thanh long đã được dọn cỏ, phát quang mương nước sạch sẽ. Nhiều đống ủ đã được người dân thực hiện… Đó là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) trong ngày đầu ra quân vệ sinh vườn thanh long, được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hàm Thuận Bắc - ông Hà Văn Đức cho biết, huyện tập trung đợt cao điểm từ 25/8 đến 15/9/ 2016. Ghi nhận sơ bộ, trong ngày đầu ra quân tại các xã làm điểm, toàn huyện đã thu gom được khoảng 20 đống ủ, tương đương 20 tấn cành thanh long, dọn cỏ và phát quang nhiều diện tích thanh long. Cụ thể trong ngày đầu ra quân, xã Hồng Sơn tổ chức vệ sinh vườn ở 5 điểm (gồm 2 điểm tại thôn Suối Đá, 2 điểm ở thôn 4 và 1 điểm tại thôn 3). Ông Lương Nguyên Sanh (tổ hợp tác Hồng Sơn 3)- một trong số hộ làm mô hình điểm trong xã cho biết, gia đình ông có hơn 1.000 trụ thanh long, trong đó khá nhiều diện tích bị nhiễm bệnh đốm nâu. May mắn hơn so với những hộ khác là tỷ lệ nhiễm bệnh trên vườn của ông chỉ ở mức độ nhẹ. Theo kinh nghiệm của ông Sanh: Để vườn thanh long giảm bệnh, trước hết cần thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thường xuyên vệ sinh vườn, phát quang sạch sẽ và thu gom cành bệnh đúng chỗ, xử lý bằng chế phẩm BIO-ADB... Đây được xem là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh đốm hiện nay.

Còn tại hộ ông Phạm Minh Hảo (tổ trưởng nhóm VietGAP thôn 4), xã Hồng Sơn, thời điểm chúng tôi đến đã có khá nhiều nông dân tập trung đông đủ. Theo ông Hảo, nhận được chỉ đạo của huyện, xã nên bà con trong tổ sẵn sàng đồng loạt ra quân. Ai nấy đều trang bị cuốc, dao và máy cắt cỏ để vệ sinh vườn, với mong muốn đẩy lùi được bệnh đốm nâu, mang lại hiệu quả kinh tế cho trại thanh long. Nhìn khối ủ thanh long đã được rải chế phẩm BIO-ADB, ông Hảo còn vui vẻ  cho biết, sau khi ủ khoảng 45-60 ngày là chúng sẽ trở thành nguồn phân bón hữu cơ có lợi để bón cho cây trồng.

Quyết tâm giảm diện tích nhiễm bệnh

Theo ghi nhận của Trạm Bảo vệ thực vật Hàm Thuận Bắc, toàn huyện hiện có khoảng trên 2.700 ha thanh long bị bệnh đốm nâu, trong đó xã Hồng Sơn có 263 ha bị bệnh, chủ yếu là nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, do thời điểm này một số diện tích thanh long đang được bà con chong đèn nên chưa thể thực hiện vệ sinh vườn đồng loạt. Ông Hà Văn Đức cho hay, Trạm Bảo vệ thực vật huyện sẽ cùng sát cánh, đôn đốc bà con để triển khai đợt cao điểm từ nay đến giữa tháng 9. Mục tiêu là quyết tâm giảm diện tích nhiễm bệnh đốm nâu trên thanh long, cải thiện chất lượng trái…

Đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn tỉnh, thời gian từ 25/8 - 31/10/2016, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh đốm nâu gây ra. Sở đã đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với  đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn cho tất cả các hộ trồng thanh long tại địa phương thực hiện các biện pháp vệ sinh vườn và tiêu hủy cành, nụ, trái thanh long bị bệnh theo quy trình... Trong đó lưu ý, bà con cần tỉa bỏ triệt để những cành, nụ, hoa, trái thanh long bị bệnh, loại bỏ bớt những cành vô hiệu, ốm yếu, nằm sâu bên trong tán, tạo thông thoáng cho vườn cây. Thu gom toàn bộ cành, nụ, hoa, trái thanh long bị loại bỏ đem tiêu hủy, tuyệt đối không được vứt bỏ bừa bãi…

K.H


Related articles

(0) Comments
Focus
Khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo phương châm 4 tại chỗ
BTO-Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại công văn mới đây, triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Vào đợt cao điểm phòng bệnh đốm nâu