Kinh tế tập thể: Thách thức ở phía trước

05/10/2016, 08:38

BTO - Liên tục trong nhiều ngày, đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam về làm việc tại địa phương. Qua đó đoàn nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc trong mô hình kinh tế tập thể. Từ thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình HTX đã và đang đi đúng hướng, tuy vậy đòi hỏi mô hình kinh tế này cần phải có tầm nhìn mới, hiện đại để “bơi” vào biển lớn kinh tế thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 4.882 nhóm, tổ hợp tác (THT), trong đó có 198 THT sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, 61 THT sản xuất nông nghiệp, 2 THT sản xuất muối; 58 THT thủy nông, 24 THT bảo vệ rừng, 182 THT thủy sản, 13 THT chăn nuôi, 1 THT may mặc, 1 THT chế biến mủ cao su và 16 THT khác; 1.656 tổ liên kết vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; 2.429 tổ tiết kiệm vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và 241 tổ đoàn kết trên biển.

Đa số các THT hoạt động phi kinh tế với mục đích cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất giữa các hộ gia đình, đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, cùng nhau giải quyết các vấn đề trong sản xuất và đời sống như liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tương trợ vốn cho nhau… Hoạt động của các THT sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đặc biệt là các THT sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Các tổ đoàn kết trên biển từng bước phát huy tốt hiệu quả tương trợ nhau khi các tàu thuyền gặp tai nạn, khó khăn.

         

Bên cạnh đó kinh tế tập thể vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn, trình độ quản lý điều hành còn hạn chế và thiếu sự gắn bó chặt chẽ của các thành viên trong quá trình hoạt động. Ngoài ra còn khó khăn trong việc đứng ra ký hợp đồng hoặc xuất hóa đơn trực tiếp cho khách hàng do không có tư cách pháp nhân. Chính sách hỗ trợ cho các THT chưa thật sự hiệu quả, đa số các THT sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP chưa tìm được đầu ra ổn định.

Toàn tỉnh đến nay có 159 HTX. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 56 HTX; quỹ TDND có 25; thủy sản có 41 HTX; thương mại - dịch vụ có 4 HTX; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có 9 HTX; xây dựng có 10 HTX; giao thông vận tải và lĩnh vực khác có 14 HTX. 9 tháng năm nay đã thành lập mới 1 Liên hiệp hợp tác xã chế biến xuất khẩu thanh long Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long với tổng vốn 2,350 tỷ đồng với 6 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết.

HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những giải pháp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hướng trọng tâm vào phục vụ lợi ích của xã viên, được xã viên ủng hộ, nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận các dự án nguồn vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất. Doanh thu của nhiều HTX lĩnh vực nông nghiệp đạt khá, tập trung chủ yếu những vùng chuyên canh cây nông nghiệp lợi thế của địa phương như sản xuất lúa giống, thanh long. Tồn tại của HTX nông nghiệp là thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh còn hạn chế, cơ sở vật chất HTX còn nghèo nàn, giá trị tài sản nhỏ. Đa số HTX hoạt động khép kín, tự thân vận động, chưa khai thác và phát huy tốt năng lực của xã viên, chưa chủ động linh hoạt mở liên kết, để mở rộng nội dung nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

Tình hình thiếu vốn đầu tư sản xuất vẫn là vấn đề nan giải đối với các HTX nông nghiệp, chưa huy động được nguồn vốn của xã viên, tình hình công nợ kéo dài, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế, chủ yếu do không có tài sản thế chấp vay vốn. Các HTX vận tải có nhiều khó khăn trong điều kiện cạnh tranh với các cá nhân và tổ chức kinh doanh vận tải trong và ngoài tỉnh.

Với sự nỗ lực của Liên minh HTX tỉnh và sự quan tâm phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thúc đẩy tình hình các mặt của kinh tế tập thể tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ. Các ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các văn bản, chính sách liên quan kinh tế tập thể. Chủ động đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và địa phương trong việc giải quyết khó khăn của HTX; phối hợp rà soát, hướng dẫn công tác chuyển đổi, thành lập mới HTX trong các ngành nghề, khu vực gắn với yêu cầu phát triển KT - XH của địa phương cho phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, phải thừa nhận những hạn chế của quá trình vận hành mô hình kinh tế tập thể này vào thực tiễn, khi Luật HTX năm 2012 đã được triển khai nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhận thức của một bộ phận thành viên HTX, cán bộ và nhân dân chưa thật sự phân biệt được những điểm mới của Luật HTX năm 2012, chính sách phát triển kinh tế tập thể chậm được cụ thể hóa như việc giao đất, cho thuê đất để triển khai dự án gặp khó khăn nên một vài HTX nông nghiệp, thương mại không triển khai được hoạt động phải giải thể.

Quang Nhân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế tập thể: Thách thức ở phía trước