Thủy điện Hố Hô xả lũ: Rút kinh nghiệm thì dân vẫn chịu thiệt

17/10/2016, 10:45

Thủy điện Hố Hô xả lũ gây thiệt hại không thể đo đếm cho người dân nhưng hiệu quả của Nhà máy thủy điện này lại “bé tí tẹo”.

Người dân miền Trung lại oằn mình chống lũ. Mưa to cộng với việc xả lũ chưa khoa học của thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đã gây ra trận ngập lụt kinh hoàng, thiệt hại nặng nề về tài sản của hàng ngàn hộ gia đình ở Hương Khê.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa quyết định lập tổ công tác điều tra xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô, do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo việc điều tra.

                
      
      Đã    nhiều ngày qua, người dân phải sống chung với ngập lụt

Trước đó, lãnh đạo UBND huyện Hương Khê đã truy vấn gay gắt đại diện nhà máy về việc thông báo xả lũ chậm trễ và cho rằng việc nhiều xã bị ngập sâu trong đợt mưa lũ này, ngoài nguyên nhân trời mưa lớn thì thủy điện Hố Hô phải chịu một phần trách nhiệm. Hậu quả của đợt mưa lũ này đã khiến hàng ngàn hộ gia đình ngập trong biển nước, không kịp trở tay, tài sản bị cuốn trôi.

Theo thông tin trên website của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nhà máy Thủy điện Hố Hô được đưa vào vận hành năm 2010 nhưng do bị trận lũ lịch sử năm 2010 tàn phá nên đến đầu năm 2013 mới chính thức đi vào vận hành trở lại.

Nhà máy có công suất 14 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3. Sản lượng điện năm 2013 đạt 35 triệu kWh, năm 2014 đạt 19,7 triệu kWh, năm 2015 dự kiến 25,5 triệu kWh. Doanh thu năm 2015 dự tính đạt 41,117 tỷ đồng. Về nộp thuế, năm 2013 đạt 1,906 tỷ, năm 2014 đạt 1,673 tỷ, kế hoạch năm 2015 khoảng 1,685 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số này mới thấy, thủy điện Hố Hô hiệu quả thấp mà hậu quả gây ra thì kinh hoàng. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng thủy điện xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống cộng đồng dân cư. Những lần trước đó, có lẽ việc xử lý chưa được nghiêm nên qui trình vận hành xả lũ của nhiều nhà máy thủy điện vẫn theo “cảm hứng”, thấy nguy thì xả tức tốc, còn bình thường thì găm nước, tích nước đầy hồ, chỉ khi nào “ngoài sức chịu đựng” mới chịu “nhả ra”. Thử cân nhắc lại xem những thủy điện này  khi chắn ngang dòng nước mưu sinh của người dân đã giúp được gì cho cuộc sống của người dân? Hay khi lũ lụt thì góp phần làm ngập lụt thêm, khi hạn hán thì giữ rịt nguồn nước để còn chạy máy phát điện, phục vụ kinh doanh.

Qui hoạch mạng lưới thủy điện ở miền Trung rõ ràng đang có vấn đề, việc vận hành các nhà máy thủy điện này càng có vấn đề hơn, khi mà lãi thì doanh nghiệp bỏ túi, còn cuộc sống của những người dân đã hy sinh nhà cửa, đất đai để phục vụ dự án thì khó khăn chồng chất, thậm chí đe dọa cả tính mạng. Các đơn vị chức năng cần vào cuộc để rà soát lại toàn bộ khu vực miền Trung còn bao nhiêu thủy điện tầm cỡ như Hố Hô đang hoạt động, như những quả bom nước đang treo trên đầu dân.

Cơ quan quản lý hãy một lần xử lý nghiêm những vi phạm của các Nhà máy thủy điện để nâng cao trách nhiệm của họ với cộng đồng. Còn như hiện nay, sau khi kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc thì người chịu đựng mọi thiệt hại vẫn là dân. Lần sau nếu gặp lũ lụt, hạn hán thì Nhà máy thủy điện vẫn hành xử như vậy thôi.

Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, còn bao nhiêu thủy điện nhỏ và vừa với hiệu quả cũng vừa và nhỏ nhưng lại là những mối nguy tiềm ẩn vô cùng lớn với cộng đồng mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ? Xin hãy một lần siết lại việc quản lý các hoạt động của các nhà máy này để dân không phải sống trong sợ hãi. Họ những người đã nghèo đi vì thủy điện nay lại phải sống cơ cực hơn vì thủy điện đang ước mong trở lại cuộc sống như xưa. Trong bất kỳ tình huống nào, Nhà máy thủy điện luôn phải cứu họ trước khi cứu dân. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước hãy là người phân xử  quyền lợi giữa các bên sao cho công bằng và đúng pháp luật nhất./.

An Nhi/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủy điện Hố Hô xả lũ: Rút kinh nghiệm thì dân vẫn chịu thiệt