Bài học kinh nghiệm thu ngân sách ở Hàm Thuận Bắc

19/09/2016, 08:16

BT- Nhiều năm liền, huyện Hàm Thuận Bắc luôn là địa phương “top đầu” của tỉnh trong thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN). Để có được kết quả này là cả một sự cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ ngành thuế nói riêng và cả hệ thống chính trị toàn huyện nói chung.

Khai thác tốt các nguồn thu

Từ đầu năm 2016, tình hình thu NSNN huyện Hàm Thuận Bắc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, nắng hạn kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh làm giảm thu ngân sách, nhất là từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (hộ cố định). Trước những khó khăn do kinh doanh cố định trên địa bàn huyện sức mua, sức bán giảm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, nhờ khai thác tốt các nguồn thu, tập trung chỉ đạo thu thuế môn bài, nhất là nguồn thu từ thuế XDCB nhà ở tư nhân và thu thuế qua hình thức sử dụng hóa đơn lẻ, từ đó góp phần làm tăng thu ngân sách trong lĩnh vực ngoài quốc doanh.

Đối với lĩnh vực thu khấu trừ, Chi cục Thuế đôn đốc thu thuế phát sinh hàng tháng và thuế môn bài năm 2016. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát việc kê khai nộp thuế hoạt động XDCB, nhất là các doanh nghiệp xây dựng công trình từ nguồn NSNN, các nhà thầu xây dựng ngoài tỉnh, qua đó đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp (đảm bảo thấp nhất 18% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn quản lý là 35 doanh nghiệp theo chỉ tiêu Cục Thuế tỉnh giao). Đến nay, đã thực hiện kiểm tra được 18/35 doanh nghiệp với tổng số tiền truy thu, phạt nộp vào ngân sách nhà nước là 428 triệu đồng, góp phần làm tăng thu trên lĩnh vực ngoài quốc doanh. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách huyện 8 tháng có tốc độ tăng trưởng khá so với dự toán tỉnh giao, đạt 80,1% dự toán năm.  

Bài học kinh nghiệm

Kinh nghiệm thu ngân sách qua các năm cho thấy, nếu thu ngân sách những tháng đầu năm đạt khá, từ đó công tác thu ngân sách ở các tháng còn lại dễ dàng hơn. Ông Lý Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hàm Thuận Bắc cho biết: “Một trong những yếu tố quan trọng cho kết quả thu ngân sách của địa phương chính là rà soát các nguồn thu từ đầu năm để xây dựng dự toán thu sát với tình hình thực tế”. Cụ thể, ngay sau khi có dự toán pháp lệnh tỉnh giao, Chi cục Thuế đã chủ động tham mưu với UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn và các ngành có liên quan sớm ngay từ đầu năm. Đồng thời, tham mưu Thường trực Huyện ủy và UBND huyện tổ chức tổng kết thu ngân sách năm 2015, đề ra giải pháp thu ngân sách năm 2016, giao nhiệm vụ thu cho các xã, thị trấn, các ngành có liên quan, từ đó có sự chủ động trong công tác thu ngân sách. Việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2016, phân định trách nhiệm cụ thể trong công tác phối hợp điều hành thu trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện phát động các phong trào thi đua trong nội bộ ngành, gắn bình xét thi đua với phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2016 và duy trì đều đặn trong từng tháng, từng quý. Cũng theo ông Mười, mặc dù tốc độ thu ngân sách đạt khá, tuy nhiên hiện nay tình hình nợ đọng ngoài quốc doanh còn cao. Tổng nợ là 5.851 triệu, trong đó nợ đọng có khả năng thu là 3.057 triệu đồng, nợ khó thu 2.794 triệu đồng. Đây là một trong nhưng khó khăn mà ngành thuế huyện sẽ tập trung giải quyết trong thời gian đến.

    
      Tổng thu ngân sách 8 tháng của huyện Hàm Thuận Bắc là 141 tỷ đồng, đạt   80,1% dự toán năm. Nhiều khoản thu đạt khá như thu DNNN địa phương  đạt   223% so dự toán, thu cấp quyền sử dụng đất đạt 92,4% dự toán, thu phí và   lệ phí đạt 95,7% dự toán, thu khác ngân sách đạt 114%...

 Thanh Duyên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học kinh nghiệm thu ngân sách ở Hàm Thuận Bắc