Chào tạm biệt các resort nhỏ

07/10/2016, 07:38

BT - Tuần qua, hội nghị lần thứ 8 Tỉnh ủy Bình Thuận đã thông qua dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2020. Đây là sự kiện ý nghĩa trong thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 21 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10).

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2015, Bình Thuận cơ bản giữ được thương hiệu một điểm đến “an toàn – thân thiện – mến khách”, không để xảy ra “chặt chém”, lừa đảo du khách, an ninh trật tự, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm ổn định.

Du lịch tăng trưởng góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, khôi phục các làng nghề, các lễ hội truyền thống, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, sinh kế cho nhân dân, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách.

Tuy nhiên, trong khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng trưởng du lịch Bình Thuận đã chững lại, cả doanh thu và lượt khách. Tình hình thu hút đầu tư cũng ảm đạm, số dự án “treo” quá nhiều, sản phẩm du lịch vẫn đơn điệu, Bình Thuận chưa kêu gọi được nhà đầu tư lớn, tầm cỡ có thể tạo ra bước đột phá. Mặt khác do chưa có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, khách đến Bình Thuận chủ yếu bằng quốc lộ 1A vừa mất thời gian, vừa không an toàn, nên sức cạnh tranh của Bình Thuận giảm hẳn. Vệ sinh môi trường chưa giải quyết tốt, du khách than phiền nhiều về ô nhiễm rác thải, hay tình trạng quán nhậu thì nhiều, nhà vệ sinh công cộng lại quá ít…

Nghị quyết mới đặt ra mục tiêu du lịch Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 đón 7 triệu lượt khách, du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP địa phương, Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển tầm quốc gia, Hàm Tiến – Mũi Né thành khu du lịch quốc gia, từng bước xây dựng đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia, TP. Phan Thiết là đô thị du lịch.

Tuần qua, dư luận cũng quan tâm đến các ý kiến về du lịch Bình Thuận của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, trong chuyến làm việc tại tỉnh. Theo ông Bình: Các resort ở Mũi Né đến thời điểm này đã hoàn thành sứ mạng lịch sử trong giai đoạn đầu phát triển du lịch. Đã đến lúc du lịch Bình Thuận phải nâng lên tầm cao mới, tương xứng với các điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Muốn vậy Bình Thuận phải quy hoạch các dự án lớn, đất đủ rộng, để kêu gọi các nhà đầu tư lớn, tầm cỡ vào cuộc.

Sân bay Phan Thiết đang xây dựng, còn cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Bình Thuận cần quyết liệt kiến nghị Trung ương sớm triển khai. Ông Bình đề nghị: Phải có tầm nhìn quốc tế, quy hoạch các dự án hàng ngàn ha để thu hút các nhà đầu tư lớn. “Hãy nói chào tạm biệt các resort nhỏ vì nó đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó”.

Mũi Né (Bình Thuận) từng tự hào là “thủ đô resort”, chính các resort tạo ra điểm “khác biệt” cho du lịch Bình Thuận buổi đầu phát triển. Nhưng dư luận cũng chỉ ra bài học quy hoạch các khu resort Mũi Né, đó là: cấp phép cho quá nhiều resort nhỏ (quy mô 1 – 2 ha), khiến bờ biển bị băm nát, phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chen chúc nhau, làm che khuất tầm nhìn ra biển, bịt các con đường xuống bãi tắm công cộng.

Rút kinh nghiệm, sau này Bình Thuận không cấp phép cho các resort nhỏ, chỉ cho phép các cơ sở quy mô 5 – 10 ha trở lên, ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên nhìn tổng thể, du lịch Bình Thuận phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, thiếu những khu, điểm du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đây là vấn đề phải giải quyết trong giai đoạn 2016 – 2020.

Liên quan đến phát triển du lịch bền vững, ông Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý Bình Thuận đến tác động của công nghiệp khai khoáng titan và nhiệt điện than: Thế mạnh của Bình Thuận là du lịch biển, nhưng quy hoạch khai thác – chế biến titan lại nằm dọc ven biển, Bình Thuận không thể để quy hoạch titan chồng lấn lên quy hoạch du lịch. Hay vấn đề phát triển các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng đến môi trường du lịch? Bình Thuận cần kêu gọi Bộ Tài nguyên – Môi trường cùng vào cuộc giải quyết.

K.N


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chào tạm biệt các resort nhỏ