“Mỗi làng một sản phẩm” và chuyện sản xuất ở Bình Thuận

09/09/2016, 09:38

Thanh long

BT - Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện tái cơ cấu, ngành sẽ xây dựng ba trục sản phẩm theo ba cấp độ. Ở cấp độ quốc gia, sẽ chọn 10 sản phẩm có lợi thế, có giá trị và độ bền vững cao để  đẩy mạnh xuất khẩu, coi đây là ngành hàng quốc gia. Trục thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh. Là những sản phẩm  mang tính lợi thế, đặc thù của tỉnh, đã có thị trường nội địa và xuất khẩu. Trục thứ ba là sản phẩm quy mô địa phương, có công nghệ chế biến, có thị trường tại chỗ và xuất khẩu. Đây là mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”. Ông Cường nêu rõ:“Ba trục đó hình thành nên cái gọi là tái cơ cấu đồng bộ và thị trường  là động lực của sản xuất. Trong sản xuất, doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột. Đặc biệt đối với sản phẩm quốc gia, những chính sách ưu tiên khuyến khích sẽ tương xứng với tầm vóc để thu hút doanh nghiệp”.

         
   

      

         Một điểm thu mua thanh long. Ảnh: Ngọc Lân

Áp vào các điều kiện trên, thanh long Bình Thuận có thể có mặt ở ba trục sản phẩm. Ở trục thứ nhất, những năm qua, thanh long Bình Thuận với sản lượng lớn  đã thu hút các tổ chức, các nhà đầu tư liên quan đến sản xuất sạch, chế biến tìm đến, cũng như đã có không ít hoạt động  xúc tiến tìm kiếm thị trường nước ngoài cho trái thanh long. Tuy nhiên, vì nhiều lý do và cái chính là chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn, xuyên quốc gia để liên kết vùng, tạo chuỗi giá trị mạnh nên dù có thương hiệu, thanh long Bình Thuận vẫn chưa  chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn như mong đợi. Chuyển sang  trục 2 thì không phải bàn vì thanh long vốn là sản phẩm lợi thế của tỉnh, ít nhiều có một số  sản phẩm chế biến như: rượu thanh long, thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo… Nếu theo mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” thì ngay bây giờ, người ta có thể nói vùng Hàm Đức có rượu thanh long, Mương Mán có thanh long sấy dẻo, Phong Nẫm có thanh long sấy khô… Tuy nhiên, tất cả đều có những trở ngại riêng nên chưa thể lớn mạnh. Tất cả đang cần lực đẩy một sự hỗ trợ đầu tư bài bản từ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp trên.

Tăng trưởng từ làng nghề

Toàn tỉnh hiện có 9.974 cơ sở ngành  nghề nông thôn đang hoạt động và 6 làng nghề nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt tiêu chí theo Thông tư số 116/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ vậy, thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn. Điều đáng nói, 6 làng nghề này hiện không có gì nổi bật, thậm chí có làng nghề đã dừng hoạt động. Nguyên nhân là cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp, tư duy làm ăn nhỏ, manh mún, không bền vững, chưa tìm ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt. Đã vậy, khâu tiếp cận thị trường của các làng nghề kém nên không tìm được đầu ra cho sản phẩm khiến một số làng nghề hoạt động cầm chừng. Chưa nói có làng nghề công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường... Đó cũng là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành khác trong nước nên chương trình phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động từ năm 2005, một hình thức phát triển tương tự  mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản nhưng đến nay chỉ có số ít tỉnh làm tốt. Và đến thời điểm này, việc xới lên vấn đề xây dựng 3 trục sản phẩm, trong đó trục thứ 3 theo mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”, có nghĩa sắp tới tỉnh cần xốc lại các làng nghề đã được công nhận, củng cố, tạo thêm làng nghề mới là việc cấp thiết.

Theo nhiều người quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, để phát triển làng nghề trong thực trạng hiện nay, cần quan tâm đến 3 nhóm giải pháp. Đó là nhóm giải pháp phát triển sản phẩm, tức mỗi làng hay mỗi xã cần lựa chọn những nghề  đặc trưng nhất của mình để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại từ nơi khác thông qua chất lượng, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng. Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển thị trường, cần tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề, về sản phẩm. Tiếp đến cần có  những chính sách hỗ trợ các làng nghề để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tạo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

Hảo Chi


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mỗi làng một sản phẩm” và chuyện sản xuất ở Bình Thuận