Xây khu công nghiệp chế biến Titan Sông Bình:  Dân lo ô nhiễm môi trường nước     

09/09/2016, 09:51

BT - Nhiều người dân ở huyện Bắc Bình đang lo lắng môi trường  bị ô nhiễm vì sự có mặt khu công nghiệp chế biến tập trung titan Sông Bình (KCN Titan) với diện tích gần 300 ha trong những năm tới đây.

         
   

      

      Xe máy thi công khu công    nghiệp chế biến titan Sông Bình.

Đôi nét về KCN Titan

KCN Titan có diện tích gần 300 ha sẽ là nơi chế biến sâu titan với 3 sản phẩm chính: xỉ titan, rutin nhân tạo, zircon mịn và siêu mịn, pigment (dioxit titan), các hợp chất zircon (như zircon oxychloride) và titan xốp, titan kim loại, hợp kim titan. Dự án  được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ cuối năm 2013. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt (tại Quyết định 2649/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2013) thì nước thải phát sinh từ các nhà máy thứ cấp trong khu công nghiệp sau khi được xử lý nội bộ đạt cốt B, QCVN40:2011/BTNMT – quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp thải ra hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp, rồi chảy về hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 10.000m3/ngày đêm để tiếp tục xử lý. Nước thải tập trung  được xử lý đạt cốt A, QCVN40:2011/BTNMT trước khi thải ra kênh thủy lợi Đ8-13, rồi hòa chung vào dòng sông Lũy. KCN Titan sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại trạm xử lý nước thải tập trung để kiểm soát liên tục đối với các thông số theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Băn khoăn của người dân

Ông Hà Huy Long và một số hộ dân ngụ tại xã Sông Lũy, Sông Bình (Bắc Bình) cho biết: Khi KCN Titan hoạt động thì nước thải sau khi xử lý sẽ thải ra kênh thủy lợi và hòa vào dòng sông Lũy. Có ai dám chắc sông Lũy không bị ô nhiễm bởi thời gian qua các khu công nghiệp trước khi hoạt động đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng cuối cùng nước thải vẫn bị ô nhiễm, nhất là các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản titan. Trong thời gian gần đây xảy ra không ít sự cố môi trường ở các đơn vị chế biến loại khoáng sản này, chẳng hạn: Vụ tràn bùn thải titan xảy ra năm 2013 tại Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận; vụ bể bờ moong tràn bùn gây tắc nghẽn giao thông  đường ven biển của Công ty TNHH Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) mới đây...

Trước nỗi lo lắng của người dân, ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh cần có sự theo dõi, giám sát các biện pháp bảo vệ môi trường.

NHẬT BẢO


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây khu công nghiệp chế biến Titan Sông Bình:  Dân lo ô nhiễm môi trường nước