Học sinh lớp 6 phải quay về lớp 1: Gia đình, nhà trường nói gì?

03/10/2016, 16:26

Một học sinh lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết dù đã học ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.

Trường hợp này xảy ra với L.S.V, học sinh (HS) lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (TP. Sóc Trăng). Ông Châu Triều Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Vĩnh Hòa cho biết, qua kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường ngã ngửa khi V. không làm được bài kiểm tra, kể cả tên họ viết cũng không rõ. Trong khi học hằng ngày, giáo viên phát hiện học lực V. rất kém, không làm được bài tập, không đọc, viết được. Nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển cho học lại từ lớp 1.

Gia đình từng xin cho con ở lại lớp!

Việc V. phải học lại từ lớp 1 khiến gia đình HS này bị sốc nặng. Bởi theo chị T.T.Q.G, mẹ V., 5 năm học tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành (phường 8, TP Sóc Trăng) V. đều lên lớp, có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học. “Dù biết lực học của V. yếu, nhưng đến mức không biết đọc, biết viết thì quả thực tôi rất sốc”, chị G. nói.

                
      
         Trường tiểu học Lý Đạo Thành đang được xây mới với kinh phí trên 11    tỉ đồng để đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2

Đáng lưu ý, theo chị G.: “Năm cháu học lớp 4, chính tôi đã đến xin cho con ở lại lớp nhưng nhà trường nói cháu học được nên không cho ở lại. Đến cuối năm lớp 5, tôi gặp giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3 của cháu, nói với thầy là con tôi học yếu thầy cứ cho cháu ở lại học cho cứng. Song thầy nói cháu học được, gia đình chịu thì nhà trường cho lên lớp. Mình không biết chữ, gửi con cho nhà trường thì thầy giáo nói sao mình nghe vậy.

Đến khi “bể chuyện” thì nhà trường lại trách gia đình thiếu quan tâm đến con. Chúng tôi không biết chữ mới gửi con vào trường, tại sao nhà trường lại phủi trách nhiệm của mình. Khi cháu V. quay về Trường tiểu học Lý Đạo Thành học lại, tôi có xin nhà trường cho cháu học lại lớp 5 nhưng không biết sao lại đưa cháu xuống lớp 1, sau đó chuyển lên lớp 2 khiến con tôi mặc cảm, cuối cùng cháu không chịu đi học nữa”.

Chị G. cho biết thêm: “Cháu vào lớp 6, dù nhà nghèo nhưng gia đình cũng vay mượn tiền mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho cháu đi học. Khi nghe nói cháu phải xuống lớp 1 học lại thì hai mẹ con ôm nhau khóc ngay tại chỗ. Từ ngày đó đến nay, V. buồn tủi không chịu đi học nữa. Trong mấy ngày qua, V. ở nhà giúp cha ra đồng làm ruộng, do xấu hổ với bạn bè nên cháu nói nghỉ học luôn”.

Bạn cho xem bài, giáo viên chỉ bài khi kiểm tra

Lý giải vì sao không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn lên lớp đều đều, V. cho biết: “Khi kiểm tra, làm bài thi được thầy, cô chỉ bài, hướng dẫn viết là cháu làm được thôi”, V. hồn nhiên.

Bà L.T.C (bà nội V.) bức xúc cho biết ở nhà cũng có mấy cháu học tiểu học nên các cháu thường được gia đình cho học chung với nhau. Khi viết bài, trong khi các cháu khác đã viết xong một trang giấy thì V. không viết được một chữ nào, chỉ biết cầm cây bút ngồi nhìn. Gia đình biết V. học rất yếu, nhưng trong sổ liên lạc lúc nào giáo viên cũng phê học được. Cuối năm ghi được lên lớp. Thấy cháu “khoe”được lên lớp, bà nội cháu cười hoài.

“Cả nhà ai cũng nghĩ con ở lại chứ làm sao lên lớp được, vậy mà cũng lên được, hay thật”, bà C. kể và nói thêm: “Mẹ cháu V. đã đưa cháu lên tận Phòng GD-ĐT TP.Sóc Trăng phản ánh, nhưng lãnh đạo phòng này cũng không đả động gì. Con dâu tôi đã xin cho cháu ở lại lớp mấy lần mà không được. Trong quá trình học, nhà trường cũng không trao đổi gì với gia đình mà cứ cho cháu lên lớp đều đều. Bây giờ nói ra thấy xấu hổ quá!”.

Áp lực thành tích

Lý giải vì sao có chuyện HS học hết lớp 5 mà không biết đọc, biết viết, một giáo viên Trường tiểu học Lý Đạo Thành (xin không nêu tên), nói: “Giáo viên chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, áp lực của nhà trường khi đưa ra chỉ tiêu, áp lực từ phòng GD-ĐT khi xét thi đua trường... Bên cạnh đó, nhiều trường có quy định nếu lớp nào có HS yếu thì giáo viên tự bồi dưỡng để làm sao HS đạt học lực trung bình trở lên. Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” luôn để khỏi mất công và được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích”.

Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành, xác nhận chuyện V. không biết đọc, biết viết là có thật. Theo bà Hạnh, Trường tiểu học Lý Đạo Thành đã đạt chuẩn quốc gia 4 năm trước. Hằng năm, để xét lên lớp, trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT.

Để xảy ra tình trạng HS lên lớp nhưng không biết đọc như vậy là lỗi do nhà trường tin tưởng giáo viên. Bà Hạnh cũng thừa nhận việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường đạt chuẩn quốc gia nên thường cuối năm, HS lưu ban mỗi lớp không được quá 1 em.

Tỉnh sẽ có ý kiến xử lý nghiêm túc

Theo bà Dương Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Sóc Trăng, việc HS không biết đọc, không biết viết là có thật. Đó là trách nhiệm của các trường và phòng GD-ĐT. Theo bà Diễm, do đặc thù địa phương có đông con em đồng bào dân tộc Khmer nên khả năng tiếp thu của các HS hạn chế. Một phần nữa là do năng lực của giáo viên còn hạn chế.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh có tình trạng một số HS không biết đọc, biết viết. Đây là sơ sót lớn cần được chấn chỉnh sớm.

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cũng rất quan tâm việc HS lớp 6 bị trả về lớp 1. Trong buổi họp trực tuyến ngày 30/9, ông Thể đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sớm xác minh, làm rõ để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Ông Ngô Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết ông đã ký văn bản gửi Sở GD-ĐT yêu cầu kiểm tra, rà soát những trường hợp HS yếu kém vẫn được các trường cho lên lớp. Sau khi ngành giáo dục rà soát tất cả các trường hợp, tỉnh sẽ có ý kiến xử lý nghiêm túc.

Nhiều trường hợp tương tự

Trường tiểu học Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng cũng có một lớp 3 có đến 8 HS không biết đọc. Cô Trần Thị Thúy Y., chủ nhiệm lớp 3/2 cho biết: “Lớp có tổng số 42 em, thì có đến 8 HS không biết đọc, viết chưa rành và trên 10 HS đọc còn phải đánh vần từng chữ”.

Theo ghi nhận của phóng viên, N.T.P - một trong 8 HS không biết đọc chữ của lớp 3/2, khi cầm quyển sách Tiếng Việt lớp 3 có cả một đoạn nhưng chỉ đánh vần được 3 chữ. Khi cô giáo đọc từng chữ cho viết, trong một câu, P. không viết chữ nào đúng chính tả. Trong khi đó, theo quy định, HS lớp 3 phải đọc tối thiểu 70 tiếng/phút nhưng các HS này chỉ đánh vần được vài chữ.

Một giáo viên tiểu học ở TP.Sóc Trăng cho biết khi Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm HS tiểu học thì giáo viên lại nhận xét, đánh giá bài kiểm tra, bài thi của HS chung chung.

Theo Hoàng Vân - Trần Thanh Phong/Thanh niên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh lớp 6 phải quay về lớp 1: Gia đình, nhà trường nói gì?