Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết: Chưa thi công do Trung ương

04/10/2016, 09:17

BT- LTS:Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, qua địa bàn tỉnh Bình Thuận không chỉ Đảng bộ, chính quyền mà cả doanh nghiệp và người dân trong tỉnh mong chờ. Bởi khi cao tốc được thi công sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa vào cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu, đi lại của người dân thuận lợi hơn, giúp du lịch tăng tốc… Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị Trung ương triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa được thi công. Để hiểu rõ thêm vấn đề, phóng viên Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Lê – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải...

                
Ảnh minh họa

Thưa ông, ông có thể nói vài nét khái quát về dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết

Ông Nguyễn Tấn Lê: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được Bộ Giao thôngvận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định 1495/QĐ- BGTVT ngày 7/7/2011 với quy mô như sau:  Tổng chiều dài 101,28 km, bao gồm chiều dài đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 98,7 km và phần tuyến nối cao tốc với quốc lộ 1 là 2,58 km, trong đó chiều dài tuyến thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận là 53,7 km, qua 2 huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam. Dự án được đầu tư xây dựng với quy mô đường cao tốc loại A theo tiêu chuẩn TCVN5729-97, vận tốc thiết kế 120km/h, có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe có bề rộng (25,5-27,5)m, gồm: phần xe chạy 15m, dải dừng khẩn cấp 6m, dải phân cách giữa (1-3)m, dải an toàn 1,5m, lề đất 2m; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe có bề rộng (33-35)m, gồm: phần xe chạy 22,5m, dải dừng khẩn cấp 6m, dải phân cách giữa (1-3)m, dải an toàn 1,5m, lề đất 2 m.

Đoạn tuyến nối đường cao tốc với quốc lộ 1A, xây dựng quy mô đường cấp III đồng bằng theo tiêu chuẩn TCVN 4054-05 với B nền = 16m, B mặt = 15m. Đường gom, xây dựng quy mô đường giao thông nông thôn loại A với B nền = 5m, B mặt = 3,5m. Tổng mức đầu tư là 23.223,952 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 19.048,025 tỷ đồng và giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 4.175,927 tỷ đồng.

 Được biết, Trung ương giao cho tỉnh giải phóng mặt bằng, đến nay tỉnh đã thực hiện đến đâu?

Đây là dự án quan trọng của tỉnh phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nên UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đền bù nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Tổng số tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng phải đền bù giải tỏa khoảng 538 trường hợp. Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành các bước, chờ Trung ương bố trí kinh phí để tiến hành chi trả đền bù, cụ thể là hoàn thành hồ sơ đo đạc địa chính, xong công tác kiểm kê, xét tính pháp lý, áp giá đền bù và đã phê duyệt phương án đền bù chi tiết đạt 50% khối lượng hồ sơ, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế…Nhìn chung, công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tiến độ triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu của Bộ GTVT.

Như ông nói, dự án đã hình thành từ ngày 7/7/2011, tức đã hơn 5 năm sau khi được Bộ GTVT phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng tương đối tốt, vậy gặp trở ngại gì mà đến nay vẫn chưa triển khai thi công?

Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết do Bộ GTVT quản lý. Bộ GTVT đã phối hợp với Ngân hàng thế giới lựa chọn tư vấn quốc tế để nghiên cứu, xây dựng cấu trúc dự án. Hiện tại tư vấn quốc tế đã cơ bản hoàn thiện cấu trúc dự án mới và Bộ GTVT đang tổng hợp, rà soát lại số liệu để trình Thủ tướng Chính phủ phương án cấu trúc dự án, theo đó dự kiến phần vốn hỗ trợnhà nước sẽ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng thế giới, nhà đầu tư thu xếp vốn vay (thương mại trong nước hoặc nước ngoài) và vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư.

Hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn thương mại trong nước để triển khai dự án là khó thu xếp. Theo kết quả nghiên cứu của tư vấn cũng như ý kiến của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế, chuyên gia Ngân hàngthế giới, để triển khai dự án thì các bên đều yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bảo lãnh rủi ro về doanh thu, rủi ro tỷ giá hối đoái, rủi ro chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro chính trị. Các hình thức này chưa có tiền lệ và quy định tại Việt Nam nên sẽ là những vướng mắc chính của dự án mà Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hình thức bảo lãnh và cấu trúc tài chính phù hợp cho dự án. Tiến độ triển khai dự án cụ thể do Trung ương quyết định trên cơ sở hoàn tất các thủ tục pháp lý và sắp xếp nguồn vốn cho dự án.

Xin cảm ơn ông!

 TrẦn Thi(thực hiện)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết: Chưa thi công do Trung ương