Nhờ xoài họ đã đổi đời

23/09/2016, 08:04

BT- Từ quốc lộ 1A, khu vực xã Tân Đức, Hàm Tân, đi theo con đường Gờ - Rao (đường 12) 6km thôn Suối Giêng đã mướt mát trước mặt.

Những rẫy mì, vườn quýt, vườn xoài sum suê nối nhau tạo thành một mảng xanh lớn đến tận chân núi Giao. Nếu một thời cây mì được mệnh danh là cây cứu đói thì hiện nay cây xoài là giống cây đang giúp dân Suối Giêng ổn định đời sống và từng bước vươn lên làm giàu.

Chủ vườn xoài Giang Trí Đức

Ông Đào Văn Cầu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đức giới thiệu với chúng tôi về nông dân Giang Trí Đức với sự trân trọng hết mực về một con người vượt khó nổi bật trong địa phương mình. Ông Đức người rắn rỏi, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 57 của mình. Gia đình ông là một trong 11 gia đình đầu tiên khai phá khu vực Suối Giêng. Thôn Suối Giêng thành lập năm 2006, sau thời điểm thành lập xã Tân Đức 2 năm, đó là vùng đất hẻo lánh xa xôi của thôn 1B, Tân Minh cũ. Do vậy cũng dễ thông cảm khi những “khó khăn ngập đầu, xanh mặt” của thời kỳ đầu là những câu chuyện kể mãi không hết của ông Đức khi tiếp chúng tôi. Ông nói: “Có những lúc tưởng không vượt qua nổi, cứ nhìn năm bảy cái thau con cái hứng nước mưa ngay trong căn nhà dột nát của mình là muốn bật ngay dậy, muốn lao đi, muốn làm gì đó, muốn bằng mọi giá phải thoát khỏi cái nghèo đang ám ảnh này. Nhưng rồi sự đời đâu phải cứ muốn là được. Trồng mì gặp hạn. Trồng mít, mít chết. Trồng cao su, cao su mất giá… Hai vợ chồng cứ loay hoay bơi mãi trong cái vũng nợ nần, lại đang thời kỳ ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cơm áo gạo tiền sôi réo bên tai”.

                
Ông Giang Trí Đức với vườn nhà.

Cuối cùng, từ năm 2009 đến nay, chính cây xoài đã giúp vợ chồng ông ổn định dần đời sống. Thoạt đầu ông giữ lại nửa đất trồng cao su, nửa xuống giống xoài vì cũng còn sợ những lần thất bát trắng tay trước đây.

Ngay lần đầu thu hoạch xoài, vợ chồng ông đã có hơn 70 triệu đồng để xoay trả nợ và mua quần áo sách vở cho các con. Mừng quá, vợ chồng ông quyết định chặt cao su xuống giống xoài toàn bộ 3 ha đất của mình. Giữ 300 gốc xoài (trồng theo khoảng cách 4m x 4m) cho tới ngày nay, hàng năm bình quân ông thu 300 triệu đồng/năm. Ông đã đầu tư tiếp hệ thống tưới phun cho cả vườn xoài. Năm 2013, ông dùng số tiền 50 triệu đồng lẽ ra phải trả Ngân hàng Nông nghiệp Hàm Tân, đào được một hồ chứa,  đủ  nước tưới cho cả mùa nắng. Và điều mơ ước  được thực hiện, ông  xây được ngôi nhà, tuy không lớn lắm nhưng sạch sẽ, mưa không dột, nắng không rọi như trước.

Chế thêm lượt trà mới mời chúng tôi, ông Đức tâm sự: “Thời gian đầu đến với cây xoài, dù xuất thân ở miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp vốn quen việc vườn, nhưng bản thân tôi không sao tránh khỏi những lớ ngớ, cũng nhờ bà con quanh đây chia sẻ kinh nghiệm mà kỹ thuật chăm sóc cây xoài mới được kha khá như hiện nay. Nội chuyện xịt thuốc tránh bông xoài đang xả nhụy, xịt khuya mùa sương mù hay đổ thuốc vào gốc kích thích ra bông trái vụ thay cho kỹ thuật thắt vòng thân cũ, cũng là những kinh nghiệm đem lại hiệu quả hết sức quý báu. Vậy nên người dân đất mới Suối Giêng này càng sống càng gắn bó với nhau như ruột rà”.

 Và những chủ vườn xoài khác

Chúng tôi lại theo sau xe ông Cầu, Hội Nông dân, để đến với những chủ vườn xoài khác trong thôn.

Băng qua một vườn cao su khá rộng, chúng tôi đến vườn ông Nguyễn Văn Lũy. Gia đình ông Lũy có tới 4 người tham gia công tác ở địa phương. Ông có 5 ha đất, trong đó 2 ha trồng cao su và 3 ha trồng xoài.

Ông Lũy cho biết: “Nhờ vườn xoài 3 ha với thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm mà gia đình ổn định được kinh tế, có điều kiện tham gia công tác xã hội. Ngoài ra, nhờ tán xoài phủ mát mà tôi lồng ghép việc chăn nuôi cũng đem lại hiệu quả. Hiện tôi đang nuôi được bầy dê 10 con và bầy bò 7 con, góp phần tăng thêm thu nhập gia đình”.

Chị Huỳnh Thị Lành, vợ ông, là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn cho biết thêm: “Đầu tiên, nhà tôi trồng điều lộn hột và nhãn nhưng bị hạn liên tục, điều cháy bông, nhãn trái nhỏ, thấy cực quá nhà tôi chuyển sang cao su và xoài. Nhà tôi chỉ trồng xoài Hòa Lộc và xoài Ba mùa, thích nó vì cây mạnh, kháng sâu bệnh tốt, trái dễ bán, giá tương đối ổn định”.

Một vườn xoài rộng 2 ha gần đó là vườn xoài của ông Huỳnh Văn Toản. Đây là vườn xoài nổi bật trong vùng vì “năm nào cũng đạt, có năm bán được đến 500 triệu đồng”, theo như nhận xét của ông Lũy.

Trong suốt một ngày theo chân ông Chủ tịch Hội Nông dân, chúng tôi đi thăm được khá nhiều khu vườn xoài xanh tốt đang ra hoa rực rỡ, thơm ngát một vùng rộng và ấn tượng nhất với chúng tôi là mức thu nhập của các chủ vườn đều từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Ông Đào Văn Cầu cho biết: “Suối Giêng là vùng đất pha cát rất hợp với cây xoài. Những năm gần đây, ngoài các giống xoài truyền thống như xoài Hòa Lộc, xoài Ba mùa, bà con còn tăng cường thêm nhiều giống mới như xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài Tứ quý… Với 220 hộ của thôn Suối Giêng đã có tới một phần ba hộ là chủ vườn xoài có thu nhập khá, từng bước vươn lên giàu có. Hiện nay, toàn bộ thôn đã xóa nhà tạm, nhà dột nát, số hộ nghèo đã giảm tối đa, dưới 5%. Trong thôn đã có đầy đủ điện đường trường trạm, tất cả đều khang trang. Ngoài sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương, Suối Giêng có được sự ổn định, phát triển như ngày nay đã nhờ biết chọn cây giống, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, trong đó việc tăng nhanh diện tích cây xoài là yếu tố quan trọng”.

Nguyễn Hiệp


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhờ xoài họ đã đổi đời