La Gi sẵn sàng cho mùa lễ hội Dinh Thầy Thím

08/10/2016, 10:01

BTO - Đến thời điểm này, mọi công tác tổ chức Lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím năm 2016 đã được UBND thị xã La Gi chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng chào đón du khách về trẩy hội.

Lễ hội văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím 2016, sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 14 đến ngày 16/10 (nhằm ngày 14,15, 16/9 âm lịch) với 2 phần lễ và phần hội. Ông Nguyễn Hữu Trí – Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím cho biết, đến nay việc trang trí, bố trí các khu vực trong Dinh, chuẩn bị phần nghi lễ và phân công các thành viên, hội viên trong Ban Quản lý của Dinh Thầy Thím đã xong. “Để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương và khách du lịch, phần hội được chúng tôi chú trọng tổ chức với nhiều chương trình văn hóa, thể thao đậm đà truyền thống cư dân miền biển như: đờn ca tài tử, chương trình tạp kỹ, biểu diễn lân sư rồng, thi làm bánh, thi đánh cờ người, thi khiêng thúng ra khơi, thi làm bánh,… Ngoài ra, thị xã La Gi cũng đã giải tỏa các hàng quán tự phát hai bên đường vào Dinh Thầy Thím đồng thời xây dựng và sắp xếp có hệ thống các kiốt bán hàng nhằm tạo mỹ quan phục vụ du khách” – ông Trần Thanh Quế - Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi, Trưởng Ban tổ chức lễ hội văn hóa – du lịch Dinh Thầy Thím cho biết. Trung bình mỗi năm, thị xã La Gi đón khoảng 600.000 lượt du khách trong đó chiếm phần lớn vào mùa lễ hội Dinh Thầy Thím.

         
   

   

   Ảnh    minh họa

Tọa lạc giữa một khu rừng yên tĩnh, đường vào Dinh Thầy Thím còn nguyên vẻ hoang sơ với những cánh rừng tràm nước. Với diện tích rộng 3,6 ha, quần thể di tích Dinh Thầy Thím nổi bật lên với công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm lối kiến trúc cung đình Huế. Tương truyền, Thầy và Thím gốc người Quảng Nam, phiêu bạt vào vùng đất Tam Tân nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận thời triều Gia Long. Bên cạnh nghề đốn củi, đóng ghe để sinh kế, Thầy và Thím còn bốc thuốc chữa bệnh cứu người và dạy nghề biển cho dân địa phương. Kính trọng công đức của bậc tiền hiền nên khi Thầy và Thím qua đời, dân làng đã lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái và hằng năm tổ chức tế lễ (vào ngày 15/9 âm lịch) để tưởng nhớ Thầy Thím.

Theo các tài liệu còn lưu lại, Dinh Thầy Thím được xây dựng lần đầu năm 1879 (tức năm Tự Đức thứ 32) và được tu bổ lớn vào năm Khải Định thứ 9 – 1924 với nhiều hạng mục: Nhà Võ Ca, nhà tiền hiền, hoành phi, câu đối,... Những công trình này đã tạo nên sự bề thế của một quần thể kiến trúc độc đáo. Các công trình chính: Cổng tam quan, , nhà võ ca, chánh điện, nhà tiền hiền, nhà hậu hiện,... đều được kiến trúc theo lối “tứ trụ”, mái ngói âm dương và bên trên được điêu khắc với các họa tiết “tứ linh”, thiên nhiên phong phú. Bên cạnh việc chứa đựng giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, Dinh Thầy Thím còn được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là “Di tích kiến trúc - nghệ thuật” cấp Quốc gia từ năm 1997.

Minh Chương


Related articles

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (24/4)
BTO - Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khu vực nông thôn; Vốn tín dụng chính sách - “trụ cột” giảm nghèo bền vững; “Tự hào một dải non sông” - Mỗi tấm bản đồ, một trái tim Việt Nam; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các trường bán trú... là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 24/4/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi sẵn sàng cho mùa lễ hội Dinh Thầy Thím