Ngăn chặn ngư dân bị nước ngoài bắt giữ: Cần giải pháp bền vững

26/09/2016, 08:43

BT- Từ đầu năm đến nay, tình trạng tàu thuyền tại tỉnh ta bị nước ngoài bắt giữ khi hành nghề trên biển diễn biến tương đối phức tạp. Làm gì để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này là bài toán khó đang đặt ra hiện nay.

                
Có ngư trường bền vững, ngư dân sẽ không    phải ra nước ngoài khai thác trái phép.

Ngày về, mừng và lo

Ngày 16/9, cùng với một số tỉnh, thành khác trong cả nước, Bình Thuận tiếp nhận 57 ngư dân trở về từ Indonesia sau một thời gian bị bắt giữ. Đây là đợt trao trả ngư dân bị nước này bắt giữ có số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Các ngư dân trở về đều trong tình trạng sức khỏe tốt trước sự vui mừng của người thân và gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đoàn tụ ấy còn có cả những  nỗi lo. Một gia đình ở khu phố 6, phường Phước Hội (La Gi), có tàu bị Indonesia bắt vào ngày 24/7 vừa qua cũng vui mừng đón người con trai, đồng thời là thuyền trưởng của tàu trở về trong đợt này sau nhiều ngày bị bắt giữ. Người đã về nhưng phương tiện kiếm sống duy nhất để nuôi cả gia đình nay không còn nữa. Gia đình cho biết, tàu của họ mới đóng năm 2015, sau khi được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ, có trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Mỗi tháng gia đình phải trả cả gốc và lãi cho ngân hàng hàng chục triệu đồng. Giờ thì không biết lấy gì làm ăn để trả nợ nữa? Không chỉ riêng trường hợp của gia đình này mà rất nhiều gia đình ngư dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị nước ngoài bắt giữ. Nhẹ thì bị xử phạt, đóng tiền chuộc là xong, nặng thì tịch thu tàu thuyền, ngư lưới cụ, phạt tù…   

Vì sao là La Gi?

Trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 8 vụ/16 tàu thuyền/139 lao động (tăng 4 vụ/10 thuyền/90 lao động so cùng kỳ năm 2015) bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó chủ yếu là tàu thuyền của La Gi. Không chỉ trong năm nay, mà cả những năm trước đó, số lượng tàu thuyền và ngư dân của thị xã La Gi bị nước ngoài bắt giữ cũng luôn đứng đầu toàn tỉnh. Trong số 57 ngư dân của Bình Thuận được Indonesia trao trả ngày 16/9 vừa qua, thì riêng ngư dân của La Gi chiếm tới 2/3 và hiện tại vẫn còn nhiều ngư dân khác của thị xã vẫn đang bị nước ngoài bắt giữ chưa được trả về.

Là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền, đặc biệt là tàu thuyền công suất lớn nhiều nhất tỉnh, La Gi tập trung rất nhiều ngư dân hành nghề câu khơi (những tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ chủ yếu hành nghề câu khơi). Nghề này ngư cụ đơn giản, giá trị sản phẩm lại cao. Vì sao ngư dân Bình Thuận liên tục vi phạm vùng biển nước ngoài? Một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, vào những năm 90 của thế kỷ trước, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển của Bình Thuận để khai thác hải sản diễn ra rất nhiều. Tuy nhiên, từ những năm 2000 đến nay thì tình trạng này hầu như không còn diễn ra, bởi ngư trường của chúng ta bị suy giảm nghiêm trọng. Tại các nước Đông Nam Á có vùng biển giáp ranh với nước ta việc bảo vệ ngư trường được họ chú trọng và thực hiện rất nghiêm. Do vậy nguồn lợi thủy sản dồi dào, đa dạng là sự hấp dẫn lớn đối với ngư dân của nước ta nói chung, ngư dân La Gi nói riêng. Từ đó các ngư dân hành nghề câu khơi rất dễ... sinh liều.  

Cần một giải pháp lâu dài

Để giảm thiểu tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ là bài toán khó đặt ra hiện nay và cần có một giải pháp căn cơ, lâu dài. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua chính quyền các cấp, các địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật của ngư dân. Kiểm soát chặt chẽ phương tiện trước khi xuất bến. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến nay những giải pháp này chưa phát huy hiệu quả mong muốn. Bởi thực tế dù tuyên truyền và vận động khá thường xuyên hàng năm nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy nên chăng cần quy định đối với tất cả các tàu thuyền công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, bắt buộc phải được trang bị máy định vị GPRS để liên tục báo vị trí về cho cơ quan chức năng quản lý khi hành nghề trên biển. Bên cạnh đó, nên có hướng giúp chuyển nghề đối với những ngư dân hành nghề câu khơi. Và cần thiết hơn là phải có biện pháp thực hiện thật nghiêm, quyết liệt trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có như vậy ngư dân mới có một ngư trường khai thác hiệu quả, bền vững, không cần “xuất ngoại” trái phép cũng có thu nhập cao.    

    
      Để tăng cường tính răn đe đối với các chủ tàu có hành vi vi phạm vùng   biển nước ngoài, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định đưa ra khỏi   danh sách tàu cá đăng ký tham gia thường xuyên  khai thác và dịch vụ   khai thác hải sản trên các vùng biển xa đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê   duyệt đối với 3 trường hợp tàu cá của La Gi có hành vi vi phạm vùng biển   nước ngoài gồm: BTh 96321TS, BTh 98375TS, BTh 99500TS.

Đình NhưỢng 


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn ngư dân bị nước ngoài bắt giữ: Cần giải pháp bền vững