Tuy Phong: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm

04/10/2016, 08:22

BT- Để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, UBND huyện Tuy Phong đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân.

                       
Các hộ dân ở xã Phú Lạc đầu tư chăn nuôi dê    và trồng nho.

Năm 2014, UBND huyện Tuy Phong đã thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững”, bằng cách rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên các lĩnh vực và chú trọng quy hoạch phát triển các loại cây, con có lợi thế của huyện, như lúa chất lượng cao, thanh long, nho, trôm, đậu các loại, bò, dê, cừu và sản xuất tôm giống tập trung tại xã Chí Công. Song song đó, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch sản phẩm, sử dụng giống lúa xác nhận trên 70% diện tích canh tác. Đầu tư phát triển các ngành nghề dịch vụ ở nông thôn và tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để đánh bắt khơi xa. Toàn huyện đã thành lập 56 tổ đoàn kết, với 334 tàu thuyền khai thác hải sản trên biển và Nghiệp đoàn nghề cá Phan Rí Cửa để giúp đỡ nhau đánh bắt hải sản, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ngoài việc đẩy mạnh thâm canh các giống lúa xác nhận cho năng suất cao, các hộ dân ở các xã Phước Thể, Phong Phú, Phú Lạc còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất hoa màu, đất lúa 1 vụ bấp bênh sang trồng 50 ha nho, 120 ha thanh long. Đồng thời, chính quyền các xã đã tuyên truyền, khuyến khích bà con dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản và trồng các loại cây ăn quả. Nông dân xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân đã mạnh dạn đầu tư trồng 337 ha cây trôm lấy mủ, đạt lợi nhuận cao. Các loại cây ăn quả chất lượng cao đang phát triển mạnh ở xã Bình Thạnh, Phong Phú, với diện tích khoảng 80 ha, gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái Lan, cam sành, mận Ấn Độ, mận Đài Loan, táo Thái Lan. Giá bán các loại trái cây giống ngoại cao gấp đôi so với giống nội. Nghề sản xuất muối được duy trì, mở rộng trên 540 ha và đã thực hiện theo mô hình “Muối sạch trải bạt”, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như hộ ông Huỳnh Tám (xã Vĩnh Hảo), ông Nguyễn Bình, ông Bùi Văn Tín (xã Chí Công)…

Bên cạnh đó, huyện Tuy Phong đã được Nhà nước đầu tư thi công hồ Lòng Sông, hồ Đá Bạc, hồ Phan Dũng, hệ thống kênh mương thủy lợi, nên diện tích chủ động nguồn nước tưới tăng lên 8.172 ha, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Cảng cá Phan Rí Cửa, Khu neo đậu tàu thuyền Liên Hương, kè biển ở các xã, thị trấn ven biển được xây dựng, sửa chữa, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào cập bến an toàn, thuận lợi. Nhất là từ năm 2011 đến nay, huyện Tuy Phong đã huy động các nguồn vốn xây dựng 107,38 km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí 221,9 tỷ đồng; thi công tuyến kênh tiếp nước hồ Lòng Sông - Đá Bạc, dài 16,2 km và hệ thống kênh mương nội đồng dài 11,24 km, với tổng kinh phí 161,55 tỷ đồng, càng thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh hơn. Ngành điện đã đầu tư 18,26 tỷ đồng kéo lưới điện trung thế, hạ thế về các thôn, xóm, phục vụ sản xuất, thắp sáng cho nhân dân.

Trong thời gian tới, huyện Tuy Phong tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy sản. Kết hợp tăng trưởng kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống nhân dân.         

TuẨn Anh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm