Theo dõi trên

Xóm “quy hoạch… miệng”

27/07/2016, 09:12

BT- Từ năm 1982, khi thông tin quy hoạch nơi đây làm công viên sau khi khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Cho đến nay, gần 30 hộ dân ở khu phố 3, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết chưa ai được cầm trên tay một thông báo hay quyết định gì vì tất cả đều bằng miệng. Và chính thông tin đó, bao nhiêu năm qua họ phải sống trong bức bối, dở khóc dở cười của người dân nơi phố thị.

                       
Những căn nhà xập xệ.

Có cả thảy 27 hộ dân ở khu phố 3, phường Đức Nghĩa, có chung cảnh ngộ. Họ chỉ biết rằng nơi họ đang sống suốt mấy chục năm qua nằm trong diện quy hoạch công viên, nhưng hầu như không ai có quyết định hay thông báo nào trong tay. Khi hỏi chính quyền địa phương cũng chỉ biết là thế, biết dân bức xúc nhưng UBND phường không thể giải quyết được. Bà Trịnh Thị Nga (số nhà 10/2 đường Đội Cung) – năm nay đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, buồn bã cho biết: “Thông tin quy hoạch thông báo bằng miệng lúc đó tôi chưa đầy 30 tuổi. Đến giờ vẫn vậy, muốn sửa lại ngôi nhà cũng không sửa được, xây mới thì càng không, vì chỉ được cấp tạm giấy phép, lỡ sau này, quy hoạch chúng tôi mất trắng”. Căn nhà chưa đầy 80m2, gồm 3 hộ gia đình sống quây quần, muốn tươm tất hơn cũng không được.

Tương tự như bà Nga, bà Trần Thị Kim Cúc (số 10 Lê Lai) chẳng khá hơn vì khó khăn muốn vay vốn để phát triển kinh tế. Hồ sơ mang đến ngân hàng bị trả vì vướng “quy hoạch”. “Chúng tôi là những người địa phương sinh sống lâu năm, nhưng vì quy hoạch treo mà bây giờ những quyền lợi cơ bản nhất của một công dân, chúng tôi không thể có được. Muốn bán để đi nơi khác sinh sống cũng không thể. Xin giấy phép xây dựng thì không được, cấp tạm thì sau này không đền bù, dành dụm được chút ít muốn sửa lại nhà cho sạch sẽ thông thoáng cũng không được, mà sửa thì sau này mất trắng. Ai hiểu cho chúng tôi”. Vào mùa mưa, nhiều gia đình như hộ ông Trần Văn Đường, Huỳnh Sanh nước tuôn vào nhà, ngay giữa đêm. “Nếu giải tỏa được thì tiến hành, không thì xóa quy hoạch cho dân yên tâm sinh sống, kéo dài mãi như thế này thì khổ dân quá” – bà Cúc chia sẻ.

Giữa trưa tháng 7, lần theo những bước chân nặng trĩu của những người dân thấp thỏm trong vùng quy hoạch. Những căn nhà xập xệ, chắp vá đan xen, ngay bên cạnh một khu danh thắng nổi tiếng của Phan Thiết. Căn nhà của bà Nga, sau mấy mươi năm, giờ nền nhà thành chỗ trũng, cái ti vi nhỏ được giăng tấm bạt ở trên để che mưa nắng. “Thà sống ở khu nhà chồ còn được giải tỏa sớm mà an cư” – chị Huỳnh Thị Tấn ấm ức. Là một trong số 27 hộ dân bị quy hoạch treo, bức xúc, chị Tấn chia sẻ thêm: “Chúng tôi khổ sở trăm bề vì cái quy hoạch treo lơ lửng trên đầu. Quy hoạch thì tiến hành để dân tìm nơi sinh sống. Chờ thì đến bao giờ đây, hơn 30 năm rồi”.

Hộ ông Phạm Văn Thuyền, là gia đình liệt sĩ nhưng “khốn đốn” bởi hai chữ quy hoạch. Một ý định hay một chủ trương có thể thay đổi cuộc sống của rất nhiều gia đình nếu đúng đắn và thực hiện nghiêm túc. Nhưng đôi khi cũng làm cho nhiều thế hệ phải chật vật khổ sở hơn khi đối diện với khó khăn. Chị Trương Thị Ba cho biết: “Phần lớn ở đây là dân lao động, nhiều gia đình muốn sửa chữa nhà thì không sửa được. Tóm lại, chúng tôi muốn biết có quy hoạch nữa hay không? Ngay cả khi chủ trương của nhà nước hỗ trợ cho những gia đình khó khăn vay sửa chữa nhà, chúng tôi cũng không thể vay được vì vướng quy hoạch. Tôi kiến nghị với UBND tỉnh nên xem xét và tháo bỏ quy hoạch, để người dân được nhờ”.

Là cán bộ phụ nữ sau khi về hưu, bà Tăng Thị Bạch Mai đã tham gia công tác Mặt trận tại địa phương và đang phụ trách ở “xóm quy hoạch treo”, cho biết: “Nhiều hộ dân vì bức xúc trước tình cảnh của mình, nên đôi khi đi vận động công tác ở địa phương rất khó khăn, thậm chí cứ nhằm vào tôi mà mắng. Mời họp khu phố họ cũng chẳng buồn đi. Mới đây, lãnh đạo phường, Công an phường đến vận động họ mới tham gia đóng góp chứ thật sự rất khó. Tôi cũng hy vọng nếu thật sự không thể tiến hành thì hãy xóa hẳn quy hoạch để người dân yên tâm sinh sống, sinh hoạt và đóng góp xây dựng cho địa phương”.

Cuối cùng, nguyện vọng của những người dân ở xóm quy hoạch treo vẫn tha thiết đề nghị được xóa hẳn hoặc nếu làm thì tiến hành khẩn trương để lòng dân đỡ bất an. Để những hộ nghèo khó có cơ hội vươn lên và những đêm mưa, hình ảnh già nua trong những căn nhà ọp ẹp chẳng phải thức giấc che chắn nơi ở của mình.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóm “quy hoạch… miệng”