Theo dõi trên

Xe lam Phan Rí một thời để nhớ

17/02/2017, 08:17

BT- Phan Rí Cửa xưa, xe Lambro 550 (gọi tắt là xe lam) được xem như "siêu xe", “hot” không thua kém các loại xe hơi đời mới bây giờ. Trong ký ức  nhiều người, một chiếc xe như thế đáng cả gia tài, chưa kể luôn hợp "thời trang" và bền!. Giờ, xe lam  không còn thịnh, nhưng hình ảnh của nó và cái cách xe hoạt động thì luôn sống trong lòng người Phan Rí.

Chúng tôi về thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) trong cái nắng hanh hao của mùa xuân. Dấu ấn xưa cũ đã được thay bằng những sắc màu tươi mới của bao công trình, đường sá, nhà cửa… vươn lên tầm đô thị.

Ngồi quán cà phê  trên  đường Thống Nhất, nhìn xe cộ xuôi  ngược, anh bạn tôi bảo trong vô vàn  kỷ niệm xưa về vùng đất Phan Rí Cửa, thì hình ảnh chiếc xe lam vẫn in đậm trong tâm trí. Anh kể, trước và sau năm 1975, Phan Rí Cửa  có gần 100 chiếc xe lam, chạy tuyến Phan Rí Cửa - Chợ Lầu và Phan Rí Cửa - Duồng.  Hồi ấy, mỗi buổi sáng mai, tiếng nổ phành phạch của xe lam trên các con đường đã đánh thức nhiều người ở Phan Rí Cửa, những người coi việc dậy sớm là sự cần thiết bởi nó liên quan đến việc làm, miếng cơm manh áo và cả những em học sinh cần thức sớm, chuẩn bị bài cho một ngày đến trường. Ồn ả, nhưng là phương tiện gần gũi, thiết thân với người Phan Rí…  Xe gần như có mặt, len lỏi  ở mọi ngã đường, đến các chợ với đủ loại hàng hóa, cũng như từ chợ chở về những người mà sự vội vã, lo toan bữa cơm cho chồng con hiện rõ trên nét mặt… “Hồi ấy, tiếng máy xe lam bành bạch nổ nghe thật ấn tượng. Bành bạch. Bành bạch. Đều đặn và âm vang. Đã thế, người ngồi trên xe khi xe chạy mới thích làm sao khi chung quanh mình no gió, gió lùa vào xe để không khí trong xe luôn thoáng mát, cùng với  cảnh vật bên đường cứ vun vút, thoáng qua, thoáng qua. Vì vậy, dân Phan Rí  nhiều người nhớ xe lam” - anh bạn nói. 

Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thanh, còn gọi là Thanh xe lam ở khu phố Giang Hải 2, Tổ trưởng Tổ xe lam Phan Rí. Chúng tôi  thích thú nhìn chiếc Lambro 550, biển số 86L-0020 đậu ở một góc nhà. Một số bộ phận của xe tuy có thay thế, “độ sửa”, sơn phết lại, nhưng  nhìn chung vẫn… nguyên vẹn. 18 tuổi bước vào nghề, 20 năm cầm lái, anh Thanh xem chiếc xe Lambro 550  như “người bạn” thân thiết. Anh kể, gọi là xe Lambro 550 vì nó chở tới 550kg hàng hóa chứ không phải là dung tích động cơ.  Lambro 550 nói riêng và dòng Lambro nói chung là sản phẩm của Công ty Innocenti (Italia). Tiền thân  công ty này là công ty chuyên sản xuất thép ống do ông Ferdinando Innocenti (1891 - 1966) làm chủ. Sau chiến tranh thế giới thứ II, do nhu cầu tái thiết đất nước, Italia cần đến những chiếc xe có thể len lỏi mọi ngã đường, vì vậy có 2 hãng xe canh trạnh nhau chế tạo các loại xe nhỏ. Innocenti cho ra đời Lambretta và hãng Piaggio cho ra đời chiếcVespa. Gọi là xe Lambro vì công ty sản xuất muốn đánh dấu nơi chế tạo ra nó nằm cạnh dòng sông nhỏ Lambro, nối liền với sông Pô trong trung tâm kỹ nghệ  nằm giữa thành phố kỹ nghệ Torino và Milano của đất nước hình chiếc ủng. Chiếc Lambro 550 đầu tiên  xuất xưởng tháng 8/1965. Lambro sang Việt Nam và được nhiều người  ở miền Nam sử dụng vào thập niên 70 thế kỷ XX, khi mà chính quyền thời ấy yêu cầu thay thế xe ngựa đang thịnh hành bằng dòng xe Lambro. Nói đến lịch sử xe Lambro Phan Rí là nói đến sự thay đổi từ xe ngựa sang xe lam vì Phan Rí từng là trung tâm của xe ngựa, như câu thơ của nhà thơ Huỳnh Hữu Võ:

“Tôi về Phan Rí đi xe ngựa

Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm

Chiêm nữ đội vò đi lấy nước

Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông”

Năm 2004, sau nhiều thập niên chuyên chở người bình dân, giới lao động, hàng hóa (người có tiền thời đó thường đi taxi, xích lô máy), xe lam bị cấm lưu hành, và  những chiếc xe Lambro ở Phan Rí cũng cùng chung số phận. Phần lớn chủ xe Lambro ở Phan Rí không xoay được tiền để đổi xe nên đành đưa xe về cất, tìm kiếm nghề khác làm ăn.

“Trước đây, ở Phan Rí mỗi khi nhà ai có đám tang thì  đưa tang rất khó bởi thị trấn rất ít ô tô tải, nghĩa trang lại nằm cách đó 10 cây số. Trong cái khó, có người nghĩ đến việc dùng xe Lambro đưa tang”, anh Thanh nói thêm. Anh Thanh  đã tập hợp cánh tài xế xe lam lại, liên hệ với các gia đình có tang chế, để họ đồng ý sử dụng xe Lambro trong việc đưa tang.  Những chiếc xe Lambro 550 sống lại là thế!  Hơn 10 năm qua, 25 chiếc xe lam trong tổ của anh Thanh đã làm công việc chuyên chở đồ tang lễ, chở người đưa tiễn người quá cố ra nghĩa trang một cách an toàn, chu đáo.

                
Anh Thanh với chiếc xe lam của mình.

Cũng nghiệp xe lam, ông Nguyễn Minh Hoàng, 61 tuổi, ở khu phố Song Thanh 3, Phan Rí Cửa,  là tài xế xe lam cao tuổi nghề nhất  đất Phan Rí với hơn 40 năm cưỡi  Lambro 550. Dẫn tôi xem chiếc Lambro biển số 86L-0062 một thời là “báu vật” của gia đình, ông Hoàng kể, sau nhiều năm tích góp, năm 1977, ba ông mới mua được chiếc xe lam ba bánh, thực hiện ước mơ “cháy bỏng” là từ bỏ tấm lưới, tay chèo để trở thành bác tài  trên đường nhựa. Chiếc xe lam bấy giờ trở thành “con trâu kéo cày” nuôi cả gia đình 12 người con ăn học, lớn khôn thành người. Hồi ấy, chừng 10 tuổi, ông đã biết làm “lơ” xe, đến năm 20 tuổi thì lên tài nối nghiệp cha.

Trầm tư bên tách trà nóng cuối ngày, ông Hoàng bảo: “Giờ, có đủ phương tiện ô tô, xe máy đưa đám tang, nhưng người dân Phan Rí Cửa vẫn thích ngồi trên những  chiếc Lambro 550. Nhiều đám tang, xe lam đậu hàng dài cả chục chiếc. Tiếng nổ bành bạch của nó dường như an ủi, xoa dịu nỗi đau buồn”.

Trong ký ức của nhiều người, xe lam vẫn là một chút gì đó còn lại của Phan Rí thuở xưa. Cụ Bảy Bình, 70 tuổi, nói: “Tôi nhớ lúc nhỏ từ Phan Rí Cửa đi Chợ Lầu, mỗi lần đi tôi chỉ đòi cha mẹ ngoắc tay kêu xe lam. Gia đình đông 4 - 5 người ngồi trên nệm như ghế salon, xe chạy vù vù, cả nhà đưa mặt ra hứng gió, tai nghe tiếng máy nổ, sướng thiệt”. Theo cụ Bảy Bình, bây giờ, mỗi khi nhà ai có tang chế,  xe Lambro lại xuất hiện trên đường, làm cái công việc chở người dự đám tang, một công việc nghĩa tình, hữu ích.

Chia tay Phan Rí Cửa, anh bạn tôi bảo: “Thôi thì xe lam giống như con trâu kéo cày đã làm xong nhiệm vụ!”.

MINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xe lam Phan Rí một thời để nhớ