Theo dõi trên

Vụ tranh chấp đất ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong: Cần tổ chức đối thoại

19/06/2017, 10:43

BT- Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Chít (ngụ xóm 8, thôn Hiệp Đức, xã Chí Công, huyện Tuy Phong) gõ cửa khắp nơi để đòi lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình đã bị ông Nguyễn Hữu Hồng chiếm dụng. Xung quanh giải quyết vụ việc khiếu kiện này có nhiều vấn đề cần được các cơ quan chức năng xem xét lại.

                
Khu đất bà Chít đang khiếu nại hiện còn rất    nhiều cây tràm và điều.

 Tứ cận xác nhận bà Chít thường xuyên canh tác

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Kim Hường (SN 1956, con gái bà Nguyễn Thị Chít) cho biết: Vào năm 1975 – 1976, cha mẹ bà có khai hoang diện tích đất rộng 1,2 ha. Khu đất có vị trí phía bắc tiếp giáp với quốc lộ 1A, phía nam giáp đất ông Nguyễn Đình Hảo, phía đông giáp đất bà Nguyễn Thị Nuôi và phía tây giáp với đất của bà Đặng Thị Liễu. Vào mùa mưa, cha mẹ bà trồng cây lương thực, còn mùa khô do không có nước nên gia đình bỏ không. Từ năm 1976 đến năm 1985, khi làm rẫy thì cha mẹ bà Hường thấy thầy và trò Trường cấp 2, 3 THPT Hòa Đa, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong ra trồng cây keo lá tràm trên phần đất khai hoang của gia đình. Mặc dù cha mẹ bà Hường phản đối, nhưng thầy và trò Trường THPT Hòa Đa vẫn trồng cây phía tiếp giáp quốc lộ 1A. Cũng trong giai đoạn này, cha mẹ bà Hường tiến hành trồng keo lá tràm, điều ở phía sau. Hiện nay trên đất vẫn còn 25 cây keo lá tràm rất lớn và 3 cây điều. Tới năm 1990, thời điểm này nắng hạn kéo dài nên một số cây keo lá tràm bị chết nên xuất hiện khoảng đất trống. Vào năm 1992, bà Nguyễn Thị Chít  bán 7.200m2 (ngang 72m dài 100m) cho gia đình ông Nguyễn Song và bà Đặng Thị Liễu.

Đến năm 1997, ông Nguyễn Hữu Hồng (xóm 1, thôn Thanh Hương, xã Chí Công, huyện Tuy Phong) mua lại một phần đất của bà Phan Thị Nuôi. Thời điểm này, ông Hồng cũng đề nghị bà Chít bán lại phần đất của gia đình nhưng bà không đồng ý. Vài năm về sau, do bà Chít già yếu và con cái có gia đình nên ít đến thăm rẫy. “Sau năm 1999, mẹ tôi có tuổi nên không trồng cây hằng năm được như lúc trước. Nhưng lúc này trên đất đã có rất nhiều cây keo lá tràm và điều. Vì vậy không thể nói gia đình tôi không canh tác thường xuyên. Do thấy mẹ tôi ít ra thăm đất nên ông Hồng bắt đầu lấn chiếm. Đầu tiên là ông chiếm phần đất mặt tiền quốc lộ 1A. Sau đó, ông chặt những cây keo lá tràm phía sau dựng chuồng nuôi heo và trồng cỏ voi. Giờ thì phần lớn đất của gia đình tôi đã bị ông Hồng chiếm mất”, bà Hường cho biết.

Để xác minh những gì bà Hường cung cấp, chúng tôi đã gặp những người có đất tiếp giáp với gia đình bà Nguyễn Thị Chít. Bà Đặng Thị Liễu người mua đất của bà Chít xác nhận với chúng tôi. Vào năm 1992, trên đất của bà Nguyễn Thị Chít đã có rất nhiều cây keo lá tràm và điều. Thời điểm đó, bà Liễu đã trồng một hàng xương rồng ở ranh đất giáp với bà Chít. Hiện nay, hàng rào xương rồng này vẫn còn. “Hằng năm tôi đều thấy bà Chít đi trồng dưa, đậu vào mùa mưa. Còn mùa khô do không có nước nên bà ấy bỏ hoang. Diện tích đất của bà Chít trước đây hiện nay ông Nguyễn Hữu Hồng đang chiếm dụng và xây nhà”, bà Liễu cho biết. Bà Trương Thị Nhi, người khai hoang đất ở khu vực này cùng thời gian với bà Nguyễn Thị Chít cho biết:  “Trước đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chít vẫn sản xuất đều. Vào những lúc ghe của gia đình đi vào Kiên Giang đánh bắt thì một hai tháng, bà Chít lại vào trong đó bán cá, lấy tiền lời rồi lại về. Hễ về đến nhà là bà Chít lên khu đất trồng cây ngay. Sau này, khi bà Chít già yếu, ít lên đất thì ông Hồng mới bắt đầu lấn qua. Đến nay, chiều rộng đất ông Hồng phải lên đến hàng 100m”. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Nuôi, người bán đất cho ông Nguyễn Hữu Hồng xác nhận: Vào năm 1997, gia đình tôi có bán cho ông Hồng miếng đất có chiều rộng 20m và chiều dài là 30m. Vị trí miếng đất là tiếp giáp với đất của bà Nguyễn Thị Chít.

 Những điểm ngành chức năng chưa làm rõ

Năm 2004, bà Chít phát hiện ông Hồng lấn chiếm phần đất của mình nên làm đơn gửi các ngành chức năng huyện Tuy Phong. Trong các văn bản giải quyết khiếu nại của bà Chít, UBND huyện Tuy Phong và UBND tỉnh Bình Thuận đều xác định: Năm 1997, ông Nguyễn Hữu Hồng đến khu vực xóm 8, xã Chí Công phát dọn đất hoang cất nhà tạm mở quán cơm. Đến năm 1999, ông Hồng mở rộng quán ra khu đất phía sau nhà, phần đất phía trước ông làm đường cho xe vào quán. Trong thời gian này, ông Hồng mua lại của ông Cẩn (Lê Hoài Tâm) phần đất phía trên quán cơm với giá 200.000 đồng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp ông Lê Hoài Tâm thì ông cho biết sự việc hoàn toàn khác. “Trước đây, gia đình ông Nguyễn Đình Hảo có vay của tôi 4 chỉ vàng. Nhưng sau một thời gian không thấy ông Hảo trả nên tôi đã lấy mảnh đất sản xuất ở khu vực xóm 8, xã Chí Công của ông Hảo để trừ nợ. Mảnh đất này ở phía sau đất của bà Nguyễn Thị Chít. Khoảng 2 năm sau gia đình ông Hảo trả nợ thì tôi giao lại đất cho ông Hảo sản xuất. Tôi không hề bán đất cho ông Hồng như ông ấy đã khai báo. Trước đây, địa chính xã có mời tôi lên làm việc về điều này. Tôi cũng nói không bán và đề nghị xã cho tôi và ông Hồng đối chất. Tuy nhiên, xã đã không làm việc này. Sau đó họ lại đưa tên tôi là người đã bán đất cho ông Hồng vào trong các quyết định giải quyết khiếu nại của bà Chít”, ông Tâm bức xúc cho biết.

Như vậy có thể thấy, các nhân chứng có đất sản xuất bên cạnh bà Nguyễn Thị Chít cung cấp thông tin hoàn toàn trái ngược với những gì mà ngành chức năng huyện Tuy Phong xác minh. Bà Phan Thị Kim Hường cho biết: “Trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại của mẹ tôi, các ngành chức năng chưa một lần tiến hành đối thoại giữa gia đình tôi, ông Hồng và những người có đất sản xuất liền kề. Họ chỉ căn cứ vào lời khai của ông Hồng rồi ra quyết định giải quyết, dẫn tới ra quyết định không đúng thực tế làm ảnh hưởng tới quyền lợi của gia đình tôi”.

Trước chứng cứ mà những người có đất sản xuất kế bên bà Nguyễn Thị Chít cung cấp, có thể thấy quá trình sử dụng đất của ông Nguyễn Hữu Hồng có nhiều điểm bất thường. Đề nghị các ngành chức năng vào cuộc xác minh nguồn gốc đất, thực hiện việc đối thoại giữa các bên liên quan để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ tranh chấp đất ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong: Cần tổ chức đối thoại