Theo dõi trên

Vì sao trồng rau thủy canh chưa phổ biến? 

19/10/2020, 09:32 - Lượt đọc: 906

BT- Trồng rau thủy canh là cách ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, năng suất cao, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nông dân canh cánh nỗi lo vốn đầu tư ban đầu và đầu ra sản phẩm.

Không chênh lệch giá nhiều

Ghi nhận, 1.000 m2 trang trại rau thủy canh Hồng Mộc của ông Huỳnh Ngọc Thành tại xã Tiến Lợi (Phan Thiết) xanh mướt gồm cải rổ, cải thìa, cải ngọt, rau dền, rau muống… Tương tự, Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tiến Phát tại xã Vũ Hòa (Đức Linh) trồng các loại rau xanh bằng phương pháp thủy canh trên diện tích 1.400 m2. Thêm vào đó, ngò gai được trồng luống đất bên dưới kệ trồng rau thủy canh. Bởi giống này chịu bóng râm, phát triển tốt khi được làm cỏ, bón phân và tưới đủ nước. Sau thu hoạch, các sản phẩm được đóng gói trọng lượng 0,5 kg. Trung bình mỗi ngày số lượng rau thủy canh của 2 cơ sở trên cung cấp cho thị trường hơn 170 kg thông qua đặt hàng online hoặc điện thoại.

Trang trại rau thủy canh Hồng Mộc và HTX rau an toàn Tiến Phát đã được chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng kịp. Cụ thể, giá bán mỗi loại rau 20.000 – 30.000 đồng/kg. Riêng rau tần ô, xà lách, cải bó xôi là 50.000 đồng/kg. Đó là giá bán ổn định. Trong khi đó, giá rau thổ canh bán đến tay người tiêu dùng khoảng 15.000 – 25.000 đồng/kg. Khi gặp thời tiết bất lợi như khô hạn hoặc mưa nhiều kéo dài, giá rau thổ canh sẽ tăng hơn. Như vậy, so với giá rau thổ canh, giá rau thủy canh không chênh lệch nhiều.  

Không sử dụng thuốc

Với cách trồng rau thủy canh, hạt giống cấy vào mút ẩm để nảy mầm. Sau 10 - 12 ngày, cây con được chuyển lên giàn hệ thống thủy canh tuần hoàn, đảm bảo sự phát triển của rau. Suốt thời gian sinh trưởng, người trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ; chỉ sử dụng bẫy keo, nuôi chim vành khuyên trong nhà lưới, chuyên bắt sâu, côn trùng trên rau. Năng suất rau đạt gấp 2 - 3 lần so với trồng rau thổ canh. Trong khi đó, rau thổ canh phải dùng thuốc phun bảo vệ thực vật, cứ cách 10 ngày xịt 1 lần. Nếu thời tiết mưa bất thường, độ ẩm cao, sâu nở nhiều thì phải phun thuốc nhiều hơn. Phun thuốc gặp mưa thì bị rửa trôi và lại phun tiếp. Quy định sử dụng đủ liều, cách ly đủ ngày sau phun thuốc, rau mới được cắt bán. Thực tế, rau được phun đủ liều hay quá liều, cách ly bao lâu thì phụ thuộc vào người trồng. Đó là phân tích của chị Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc HTX rau an toàn Tiến Phát. 

Chăm sóc rau thủy canh. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Huỳnh Ngọc Thành, chủ trang trại rau thủy canh Hồng Mộc, tiết lộ: Trồng rau thủy canh mỗi ngày chỉ cần 500 lít nước cho diện tích 1.000 m2, quản lý được dung dịch nuôi dưỡng cây. Cùng diện tích, theo hình thức thổ canh, mỗi ngày tiêu tốn khoảng 5 - 7 khối nước; đi cùng rửa trôi phân bón khi cây chưa kịp hấp thụ đủ dưỡng chất. Thêm vào đó, trồng rau thủy canh tăng vụ, trái vụ, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng mưa bất thường. Còn trồng rau thổ canh phải mất thời gian khử trùng đất, bổ sung dinh dưỡng cho đất... Nếu gặp mưa dài ngày, đất thoát nước không kịp, rau sẽ bị úng, còn nắng hạn, rau chết héo. Người trồng tốn kém tiền mua giống, phân, cày xới đất trồng lại… 

Chi phí đầu tư ban đầu cao

Từ những lợi ích trên, người trồng rau thủy canh phải đầu tư chi phí ban đầu khá cao. Ước tính, người trồng phải khấu hao dần 4 – 5 năm mới có nguồn tái đầu tư lại khung, lưới nhà màng, hệ thống ống nước… bị hư hỏng sau thời gian sử dụng. Cụ thể, cứ 100 m2 nhà màng, thì mức chi phí đầu tư ban đầu tương ứng khoảng 100 triệu đồng. Để tiết kiệm khoản chi phí này, ngoài nhà lưới, người trồng có thể tìm hiểu, sử dụng sắt, tấm lót nhựa, ống dẫn, tấm xốp… tạo thành hệ thống máng thủy canh hồi lưu. Tổng chi phí đầu tư gần bằng 1/2 giá trị mua hệ thống ống máng nhập khẩu sử dụng. Chị Hòa cho biết: Chính sự khó khăn về đồng vốn đầu tư, người trồng không thể mở thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn nhiều nông hộ khác thì băn khoăn “vốn đầu tư nhiều, sản phẩm đầu ra có thị trường hay không”, nên chưa mạnh dạn bắt tay vào sản xuất rau thủy canh.  Trong năm 2020 – 2021, HTX rau an toàn Tiến Phát được Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư cho các thành viên tham gia mở rộng diện tích trồng.

Có thể nói, trồng rau thủy canh là sự ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu, nỗi lo đầu ra sản phẩm lý giải phần nào sự khó khăn trong câu chuyện trồng rau thủy canh (rau an toàn) chưa được phổ biến tại tỉnh. Để mở rộng diện tích sản xuất rau thủy canh và sản xuất lâu dài, các cơ quan liên quan sớm có định hướng và hỗ trợ nông dân nguồn vốn đầu tư, hướng sản xuất liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cung ứng hàng hóa theo hợp đồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Và đầu tư công nghệ xử lý sau thu hoạch cũng không kém phần quan trọng. Với những hoạch định từng khâu rõ ràng, câu chuyện sản xuất rau thủy canh sẽ tránh được nguy cơ “tắc” đầu ra.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2024) Hàm Thuận Nam: Phát huy đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đến nay, Hàm Thuận Nam đã xây dựng và vận hành 3 hội cộng đồng ngư dân tham gia cùng Nhà nước trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ một vài hộ dân đăng ký ban đầu, đến nay đã kết nạp được 288 hộ/814 người, tự huy động đóng góp được 210,2 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì sinh hoạt và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao trồng rau thủy canh chưa phổ biến?