Theo dõi trên

Vì sao Phú Quý thiếu nước sinh hoạt?

22/05/2019, 08:53

BT - Mặc dù công suất của 2 nhà máy nước cung cấp hơn 2.000 m3/ngày đêm, nhưng người dân đảo Phú Quý vẫn rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt triền miên.

 Đau đáu nỗi lo

“Gia đình có lắp đồng hồ sử dụng nước máy, nhưng nguồn nước thường xuyên bị cắt; đặc biệt vào các giờ cao điểm trong ngày. Những ngày lễ, tết, hầu như không có nước. Nhiều người đau đáu nỗi lo thiếu nước! Một số giếng hiện không sử dụng được do khai thác nguồn nước quá lâu, dẫn đến mạch cạn kiệt và nhiễm mặn”, ông Trần Văn Hải (xã Ngũ Phụng) than thở. Không riêng gì ông Hải và nhiều người dân khác cũng phản ánh tình hình không có đủ nguồn nước sinh hoạt cho dân.

Nhà máy nước xã Ngũ Phụng, Phú Quý. Ảnh Châu Thọ

Với đặc điểm không có sông, suối tự nhiên hoặc đập, hồ thủy lợi,  gần 28.000 dân, cùng các hoạt động sản xuất, dịch vụ đều phụ thuộc vào mạch nước ngầm. Cây trồng lâu năm chủ yếu dựa vào nước trời. Vì vậy, người dân đảo không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà còn thiếu cả nước cho sản xuất nông nghiệp ngắn ngày.

Được biết, toàn huyện có 3.377 hộ trong tổng số 6.197 hộ có lắp đặt thủy kế sử dụng nước máy của Nhà máy nước Ngũ Phụng và Long Hải, mới đạt 54,5% số hộ sử dụng nước sạch. Trong đó, 11 hộ sử dụng nước kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng; chiếm 0,33% tổng số gia đình sử dụng nước máy. Cụ thể, năm 2018, 11 hộ này sử dụng 2.321 m3 nước, chiếm tỷ trọng 1,15% so tổng lượng nước cấp (202.154 m3). Các hộ kinh doanh, dịch vụ còn lại đều sử dụng nguồn nước từ các giếng đào và giếng khoan của gia đình. Từ số liệu trên cho thấy, lượng nước cấp của nhà máy tại đảo Phú Quý, phục vụ phần lớn cho nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân nhưng không đủ. Lượng nước phục vụ cho mục đích kinh doanh, dịch vụ thì không đáng kể.

Chưa hết… công suất

Thiết kế tổng công suất hệ thống cấp nước sinh hoạt huyện Phú Quý là 2.200 m3/ngày từ các giếng khoan nằm ven biển; trong đó, công suất 1.500 m3/ngày tại Nhà máy nước Ngũ Phụng và 700 m3/ngày tại Nhà máy Long Hải. Từ cuối 2007, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh vận hành, khai thác, nhưng chỉ được cấp phép khai thác lưu lượng 680 m3/ngày. Bởi thời gian này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đầu tư hệ thống giếng quan trắc chất lượng nước dưới đất tại đảo. Trong khi đó, nhu cầu thực tế sử dụng nước là khoảng 2.000 m3/ngày. Vì thế, trung tâm phải cấp nước luân phiên theo khu vực (ngày cấp nước, ngày ngưng cấp nước). Các giờ cao điểm trong ngày và thời gian lễ, tết nhu cầu tăng cao đột biến nên nhiều khu dân cư ở xa nhà máy và địa hình cao, thì nước chảy rất yếu hoặc không có nước, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân tại đảo.

Ông Lý Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: “Năm 2014 đến nay, trung tâm tạm ngưng, không tiếp tục lắp đặt thủy kế mới cho các hộ dân, nhất là đối với các khu dân cư mới đầu tư do lưu lượng khai thác có hạn và tình hình thiếu nước thường xuyên. Và cử tri huyện Phú Quý liên tục kiến nghị nâng công suất cấp nước”.

    
  

    4 giải pháp   chiến lược nước sạch trên đảo

        Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết:   Định hướng chiến lược cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh tại   đảo Phú Quý, ngoài nghị quyết chuyên đề, huyện đang thực hiện 4 giải   pháp song song. Trước hết, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân   và du khách về sử dụng nước một cách tiết kiệm. Thứ 2 là gia tăng bồi bổ   mạch nước ngầm trên đảo. Bằng những cách đã và đang thực hiện như phát   triển trồng cây xanh, giữ và bảo vệ cây xanh. Tất cả các gia đình phải   có hồ chứa nước để dành sử dụng cho những ngày mùa khô. Bên cạnh đó, để   chống trợt nước mưa ra biển, mỗi gia đình phải có hố thu nước mưa trước   hoặc sau sân; các công sở phải xây gờ thu nước lại. Từ lượng nước thu   lại sẽ chảy theo các mương, thẩm thấu ngược vào lòng đất, góp phần tích   tụ mạch nước ngầm. Riêng các ngành nghề sản xuất kinh doanh có thể sử   dụng được nước biển thay thế nước ngọt trên đảo, thì huyện ưu tiên và   khuyến khích sử dụng, đầu tư. Chẳng hạn, máy làm nước đá vảy sản xuất đá   trực tiếp từ nước biển, tiết kiệm nướt ngọt. Loại đá này bảo quản hải   sản, duy trì được độ tươi ngon… Và giải pháp thứ 4, huyện kêu gọi, thu   hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy lọc nước biển thay thế mạch nước ngầm.   Một khi thực hiện tốt 4 giải pháp song song trên, chiếc lược về nước   sinh hoạt phục vụ cho người dân đảo và du khách sẽ ổn định lâu dài.

Sử dụng nước biển

Theo ông Phước, để giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng nước của người dân đảo, trung tâm đã đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh xem xét cấp phép khai thác nước với lưu lượng 2.500 m3/ngày gồm 1.820 m3/ngày từ các giếng mới khoan thăm dò kết hợp khai thác và 680 m3/ngày của 2 nhà máy hiện hữu.

Dự báo năm 2025, dân số của Phú Quý khoảng 31.112 người, nhân với định mức sử dụng nước sinh hoạt tối thiểu 80 lít/người/ ngày, cộng thêm 40% nhu cầu nước cho sản xuất, dịch vụ và lượng nước thất thoát... Theo tính toán, tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2025 cần 3.485 m3/ ngày. Sau năm 2025, khả năng sử dụng nước sạch tăng, với 8.200 m3/ngày, thì hướng tới phương án lọc nước biển để bổ sung nguồn nước nhạt vào các nhà máy nước là cần thiết.      

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Phú Quý thiếu nước sinh hoạt?