Theo dõi trên

Vì sao ngộ độc cá hồng chuối ?

23/10/2020, 09:26 - Lượt đọc: 4,680

BT- Cá hồng chuối không phải là loại cá độc, mà là loại cá đắt tiền. Tuy nhiên, ngộ độc cá này vẫn xảy ra và nhiều người vẫn thích ăn.  

Ðắt tiền

Cá hồng có nhiều loại gồm: hồng mím, hồng đỏ, hồng chuối, hồng xác, hồng chấm… Trong đó, cá hồng chuối là đắt tiền nhất bởi thịt cá dai, ngọt, nhiều nạc, không xương dăm… được thị trường ưa chuộng. Các nhà hàng, quán nhậu thu gom mặt hàng này để phục vụ thực khách làm các món như nấu cháo, nấu canh, lẩu, nướng mọi… Trọng lượng trung bình khoảng 10 kg/con. Cá thường xuất hiện rộ vào mùa gió nam từ tháng 2 – 5 âm lịch. Khi chuyển sang gió bấc, các ghe tàu thỉnh thoảng đánh bắt được vài con. Cá hồng chuối được xem là nguồn lợi quý của ngư dân, là món ăn ngon của thực khách. Đó là thông tin của bà Phạm Thị Giàu (xã Tam Thanh, Phú Quý), người chuyên cung cấp hải sản cho các nhà hàng, quán ăn.

Cá hồng chuối được đóng gói từng con, bảo quản đủ độ lạnh

Theo bà Giàu, cá hồng chuối có 2 loại. Loại ăn không bị say, trọng lượng từ 10 kg trở lên, câu vùng trong lộng gần bờ. Giá thu mua tại tàu vào mùa gió nam khoảng 170.000 đồng/kg. Đến tay người ăn ước tính khoảng 280.000 – 300.000 đồng/kg. Vào mùa gió bấc, giá cá mua tại tàu là 250.000 đồng/kg. Cá hồng chuối có trọng lượng càng lớn thì càng đắt tiền. Còn loại ăn vào bị say và ngộ độc, trọng lượng từ 5 kg trở xuống, câu vùng ngoài khơi, bãi rạng. Giá bán tại chợ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg. Người buôn bán rành sẽ không mua loại cá này. Không hẳn cứ ăn loại cá này bị ngộ độc; thông thường cứ 10 con, thì người ăn bị dính 2 - 3 con có độc. 

Nhiều ca ngộ độc

Cách đây hơn 20 năm, tàu cá của ông Đặng Văn Ba đánh bắt ở khu vực Đá Tây thuộc đảo Trường Sa được con cá hồng chuối, yêu cầu em nuôi (người nấu ăn trên tàu) nấu canh. Sau khi ăn, 13 thuyền viên đều choáng, mệt, ngứa… duy nhất người em nuôi không ăn, không bị ngộ độc. Lúc đó, không ai có thể điều khiển tàu chạy đến đảo Trường Sa Lớn để y tế cứu chữa. Ông Ba nói người em nuôi giã nhuyễn đậu xanh cho từng người uống. May mắn, tất cả thành viên được giải độc và tỉnh táo. Năm ấy, mà 14 người đều ăn có lẽ chúng tôi mất mạng giữa trùng khơi. Lão ngư Đặng Văn Ba (Phú Tài, Phan Thiết) nhớ lại sau khi đọc tin “10 người Phan Thiết nhập viện nghi do ăn cá hồng chuối” hôm 15/10 tại Phan Thiết.

Theo Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý, hàng năm trung tâm đều tiếp nhận vài ca lẻ tẻ từ 1 – 2 trường hợp ngộ độc do nghi ăn loại cá này. Đó là người dân mua cá ngoài chợ về chế biến ăn tại nhà, cũng có ngư dân đánh bắt được ăn trên tàu. Sau khi ăn, có dấu hiệu tiêu chảy, choáng, ngứa... Các năm trước đây, không ít trường hợp bị ngộ độc do ăn cá hồng chuối. Quay trở lại vụ 10 người ngộ độc do nghi ăn cá hồng chuối vừa xảy ra tại Phan Thiết hôm 15/10 thì không phải lần đầu xảy ra tại tỉnh. Thông qua thông tin báo chí, không riêng gì Bình Thuận, một số tỉnh ven biển khác cũng đã từng xảy ra ngộ độc do ăn cá hồng chuối.

Từ thông tin trên cho thấy, bản thân cá hồng chuối không phải là loại cá độc, mà là loại cá đắt tiền. Tuy nhiên, ngộ độc cá này vẫn xảy ra và nhiều người vẫn thích ăn. Câu hỏi đặt ra vì sao ngộ độc cá hồng chuối? 

Chưa xác định nguyên nhân

Một số lão ngư Phan Thiết cho biết: Theo kinh nghiệm, ăn cá hồng chuối được đánh bắt khu vực Đá Tây, Đá Đông, Đá Núi Le thuộc đảo Trường Sa hoặc khu vực ngoài khơi ở bãi rạng, vùng nước sâu sẽ bị say, ngộ độc. Do cá hồng chuối khu vực này ăn tảo độc, thịt cá nhiễm độc làm ngộ độc cho người ăn. Nếu mua cá ở chợ về chế biến, không loại trừ nguyên nhân sau:  Khi đi đánh bắt dài ngày trên biển, cá hồng chuối trở nên ươn, thịt cá biến đổi và chứa độc tố. Nghĩa là, người ăn nhằm cá ươn cũng bị ngộ độc. Chưa kể vì lợi nhuận, cá ủ phân u rê lâu ngày; dẫn đến độc tố trong cá càng cao và gây ngộ độc có thể tử vong nếu ăn.

Theo ông Nguyễn Bá Tòng, Phó Giám đốc Sở Y tế, 10 trường hợp ngộ độc do nghi ăn cá hồng chuối vừa xảy ra trong tháng 10 này, hiện nay chưa xác định rõ nguyên nhân, đang chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm. Tuy nhiên, theo suy đoán ban đầu, có thể cá hồng chuối ăn tảo độc. Thời gian ăn vào, hệ bài tiết cá chưa đào thải hết toàn bộ độc tố. Người mua cá không biết cá hồng chuối có ăn tảo độc hay không, hoặc đã đào thải hết độc chưa.

Để tránh chuyện ngộ độc do ăn cá hồng chuối, một số lão ngư tại Phan Thiết khuyến cáo ngư dân bảo quản cá hồng chuối đủ độ lạnh, tránh cá bị ươn; không nên câu cá hồng chuối vùng nước sâu, bãi rạng. Về phía cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tìm hiểu rõ nguồn gốc khai thác trước khi mua hoặc hạn chế ăn loài cá này.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao ngộ độc cá hồng chuối ?