Theo dõi trên

Vì sao chưa thể cải tạo đất nông nghiệp?

20/03/2019, 09:37

Kỳ 1: Quyết định đa mục tiêu

BT- Trong bối cảnh khoáng sản đang hút hàng, có giá cao, nỗi ngờ vực về việc lợi dụng chuyện cải tạo đất để khai thác khoáng sản là điều có thể xảy ra. Làm sao phân định rạch ròi điều ấy để ai có nhu cầu cải tạo đất thực sự được giải quyết và những ai lợi dụng chính sách làm việc khác cần phải ngăn chặn, bảo đảm sự công bằng, khuyến khích phát triển nông nghiệp mà nhà nước không thất thoát ngân sách?

                
Những vùng đất nghèo dinh dưỡng cần được    cải tạo cho sản xuất.

 Ra đời từ bức xúc

Với địa hình đất đai ở tỉnh, để làm nông nghiệp bài bản thì phải cải tạo đất. Những năm trước, chuyện san lấp mặt bằng, đào ao… nói chung là thiết kế mảnh vườn để thuận lợi cho sản xuất chỉ dành cho người nhiều tiền. Bằng chứng, tại Quyết định 41/2015/ QĐ-UBND  quy định về quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh có đề cập đến việc cải tạo đất nông nghiệp như đào ao, hạ thấp mặt bằng đất sản xuất… và sau đó cả tỉnh chỉ có vài ba trường hợp làm đơn xin cải tạo đất từ cơ sở chuyển lên. Nhưng đến năm 2016, thời điểm thiếu nước trầm trọng lan ra trên diện rộng tại tỉnh thì bà con nông dân nhận ra rằng cần phải đào ao tích nước mùa mưa để sử dụng cho mùa khô. Đó là thời điểm nhà nhà ở vùng chuyên canh thanh long chưa có ao đã thực hiện đào ao tích nước, tạo ra một làn sóng cải tạo đất trong toàn tỉnh. Hầu như các nhà vườn thanh long đều trồng cây phủ kín đất và bây giờ để đào ao, họ phải nhổ vài hàng trụ thanh long và đất đá dôi dư đó buộc chuyển đi nơi khác, chứ vườn thì không còn chỗ để chứa. Còn hạ thấp mặt bằng, loại bỏ lớp đất mặt nghèo dinh dưỡng để đất im hơn cho sản xuất thì lượng đất, đá dôi dư cũng không ít, phải di chuyển đi nơi khác. Mà chuyển những khoáng sản thông thường này ra khỏi vườn, mà không xin phép thì vi phạm Luật Khoáng sản năm 2016. Cũng dễ hiểu, trong bối cảnh khoáng sản đang hút hàng, có giá cao, nỗi ngờ vực về việc lợi dụng chuyện cải tạo đất để khai thác khoáng sản là điều có thể xảy ra. Làm sao phân định rạch ròi điều ấy để ai có nhu cầu cải tạo đất thực sự được giải quyết và những ai lợi dụng chính sách làm việc khác cần bị ngăn chặn, bảo đảm sự công bằng, khuyến khích phát triển nông nghiệp mà Nhà nước không thất thoát ngân sách?

Thực tế ấy đã được ghi nhận và 2 sở liên quan đã bắt tay soạn thảo quyết định suốt 2 năm trời. Đến tháng 4/2018 thì Quyết định số 967/QĐ-UBND quy định về giải quyết các trường hợp cải tạo đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất không thuận lợi bằng cách thay đổi độ cao mặt bằng, đào ao chứa nước, loại bỏ sỏi đá và tầng nghèo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được ban hành. Theo đó, khu vực cải tạo đất và tận dụng khoáng sản phải nằm ngoài khu vực đã được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, ngoài khu vực đã khoanh định cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Đất đá dôi dư sau cải tạo cho phép cá nhân, hộ gia đình được tận dụng và thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí và tiền cấp quyền đối với khoáng sản tận dụng. Diện tích tối đa cho phép cải tạo đất là 2 ha, thời gian thực hiện không quá 12 tháng.

 “Gót chân Asin”

         
      Nếu    chấp thuận cho các hộ dân cải tạo đất tận thu khoáng sản thông    thường theo đúng phương án thì nhiều vấn đề được cho là không công    bằng sẽ nảy sinh.

Vì là quyết định ra đời từ bức xúc nên chỉ trong một thời gian ngắn sau ban hành, số đơn đề nghị cải tạo đất của dân ở khắp các huyện được chuyển tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày một nhiều, dù biết việc xin cải tạo đất là một hành trình dài. Vì tính đa mục tiêu của quyết định, cá nhân, hộ dân muốn cải tạo mảnh đất nông nghiệp của mình phải theo một trình tự chặt chẽ. Trước hết, hộ dân có đơn xin cải tạo đất nông nghiệp gửi chính quyền xã, sau đó xã chuyển lên UBND huyện rồi huyện chuyển đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp đó, sở này sẽ căn cứ các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm; kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh để kiểm tra, rà soát, đối chiếu, nếu thấy không phù hợp thì trả lời bằng văn bản cho huyện biết. Còn phù hợp thì tiếp tục phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra và báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, ra quyết định về chủ trương cho phép cải tạo đất sản xuất nông nghiệp. Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cho cá nhân, hộ dân lập phương án cải tạo đất để bảo đảm tăng độ phì, bố trí tưới tiêu, bố trí sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và thẩm định hồ sơ này. Sau đó, chuyển sang Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định tiếp trước khi có tờ trình liên sở gửi đến UBND tỉnh ra quyết định cho phép từng trường hợp cụ thể được cải tạo đất sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình cải tạo ấy, các đơn vị liên quan từ xã, huyện, tỉnh đều có phối hợp kiểm soát chặt chẽ.

Sau gần 1 năm Quyết định 967 có hiệu lực, những công đoạn mà hộ dân và các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp thực hiện đã vỡ ra một bất hợp lý mà nhiều người ví như gót chân Asin. Đó là khối lượng đất, đá dôi dư. Trong Quyết định 967 chưa bàn sâu kỹ về khối lượng này như thế nào. Đến khi thẩm định phương án cải tạo đất của 15 hộ dân đầu tiên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thấy khối lượng vật chất dôi dư tận dụng của từng hộ khoảng từ 2.000 - 56.000 m3/năm, trong khi theo khoản c, Điều 36 Nghị định 158/2016, một hộ kinh doanh khai thác khoáng sản có thiết kế khai thác với công suất tối đa không quá 3.000 m3/năm. Nếu chấp thuận cho các hộ dân cải tạo đất tận thu khoáng sản thông thường theo đúng phương án thì nhiều vấn đề được cho là không công bằng sẽ nảy sinh. Và ở từng góc độ quản lý riêng, 2 sở có trách nhiệm chính trong việc cải tạo đất nông nghiệp này đã có những lập luận trái ngược nhau, chưa tạo được tiếng nói chung.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chưa thể cải tạo đất nông nghiệp?