Theo dõi trên

Vết lũ

29/12/2016, 08:37

BT- Vài ngày nữa, những vết lũ ấy sẽ phai đi nhưng có lẽ “vết lũ” trong đời sống người dân là lâu phai nhất và khó khăn nhất...

                
Một đám ruộng không thể thu hoạch ở khu phố    Bắc Sơn - Lương Sơn.

“Đường tơ lụa” bị cắt

Hôm nay, 28/12, trời Bắc Bình có nắng. Hôm qua cũng thế. Dự báo cơn bão có tên Nock-ten vẫn đang di chuyển theo hướng Tây Nam tại quần đảo Trường Sa và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp càng khiến người dân ở Bắc Bình nơm nớp lo mưa kéo đến. Thậm chí là ghét mưa, sự nghịch lý của người dân vùng hạn, ít nhất là vào thời điểm từ giữa tháng 12 này. Điều mâu thuẫn ấy chúng tôi bắt gặp ở cái nhíu mày khó chịu của ông Nguyễn Văn Nhanh ở khu phố Lương Đông, thị trấn Lương Sơn khi nghe đến từ “áp thấp”, lo “mưa” có thể đang hùng hục đến nữa. “Dân ở nơi khác còn sản phẩm bán tết thì lo sợ, chứ ở đây, tui và bà con mất sạch rồi cũng chẳng sợ nữa. Lũ sông Lũy có lên lần nữa, vùng đất nà ven sông này cũng chẳng còn gì để mất. Giờ chỉ lo, tết này không có gì ăn, chẳng còn tết nữa...”. Từng lời chua chát của ông khiến chúng tôi ngại hỏi cụ thể nhà ông trồng loại cây gì và mất bao nhiêu ha. Vì biết giờ này có an ủi cũng là thừa. Vì những hộ dân khác đứng gần đấy cũng lâm vào cảnh tương tự như ông, mỗi nhà là mỗi nỗi niềm riêng và ai cũng xứng đáng được chia sẻ trước họa của thiên tai này. Những ai đứng trước quang cảnh cả một vùng nà kéo dài ngút tầm mắt ở đây sau cơn lũ dữ 12 ngày, chắc cũng cảm nhận hết nỗi xót xa mất mát tiền của, công sức của nông dân như chúng tôi. Rau củ đã bị cuốn đi hoặc phủ bùn đen lẫn trong đất. Còn đậu phộng, ruộng lúa, dù không bị cuốn đi, nhưng lớp thu hoạch được, lớp không. Tại một cánh đồng lúa thuộc khu phố Bắc Sơn, đám đã gặt lúa vội còn trơ gốc rạ cao chông chênh; đám còn lúa đang giai đoạn chín bị ngã rạp, trải ra mặt ruộng như trải chiếu…

Chúng tôi tiếp tục đi dọc ven bờ sông Lũy qua địa phận các xã, thị trấn khác như Phan Thanh, Hồng Thái, Chợ Lầu, Phan Hiệp… Nhiều đoạn ven bờ sông Lũy chỉ cần nhìn từ QL 1A, cũng thấy rõ quang cảnh hoa màu bên bờ đã tan hoang. Nhớ năm trước, cũng thời điểm này, ven bờ sông Lũy đã xanh mướt những rau màu, dưa leo, dưa hấu, đậu phộng… Vì chỉ mười ngày, nửa tháng sau đó, những sản phẩm này sẽ ra chợ xã, chợ huyện, có khi theo thương lái về chợ thành phố Phan Thiết, phục vụ thị trường tết. Còn năm nay, “đường tơ lụa” ấy đã bị cắt, không ai hình dung tết năm nay sẽ như thế nào, nếu thiếu rau củ, quả…

 “Giảng hòa” với dòng sông?

Đi đến đâu ở Bắc Bình vào thời điểm này đều nghe người dân nói đến chuyện thất bát mùa màng, nhất là giá lúa đang tăng lên sau 12 ngày lũ vừa qua. Tại một quán ăn, hai người phụ nữ nói chuyện với nội dung khiến chúng tôi chú ý. “Lúc trời bắt đầu mưa, chị lo đi gặt liền thì tốt biết mấy. Cứ nói lúa chưa chín lắm nên trù trừ, không biết lũ sông Lũy lúc nào cũng lên nhanh như cắt à…”. Người phụ nữ kia nước mắt ngắn, dài, chỉ nghe, không nói gì, có vẻ tủi thân. Thường khi rơi vào cảnh mất mát, người ta hay ước gì có hành động khác thay vì hành động đã làm để thay đổi kết quả. Nhưng với cơn lũ tối 13/12 trên sông Lũy ở Bắc Bình, hầu như người dân nào có nhà, đất nằm ven sông Lũy đều ở trạng thái trở tay không kịp như người phụ nữ trên. Mưa kéo dài 4 ngày, nước ở các cánh đồng đã đầy lên, cộng thêm nước ở dưới sông dâng lên bờ. Đến 9 h tối ngày 13/12, lũ trên sông Lũy về rất lặng lẽ khiến nhiều hộ dân trồng thanh long miêu tả sự nhanh như cắt ấy chỉ nằm trong 4 từ: “quay vô, quay ra”. Bởi sáng hôm sau, 14/12, lúc 7h lũ đã rút hết.

Lũ sông Lũy lên nhanh, chớp nhoáng và cũng rút nhanh là chuyện đã thường lâu nay. Để thích nghi, người dân phòng thủ nhiều cách để bảo đảm tính mạng, tài sản và cả sản xuất. Thường lũ sông Lũy diễn ra trong 2 tháng 9 - 10 hàng năm nên người dân hay chờ qua thời điểm ấy, cộng thêm trù trừ mười ngày, nửa tháng là xuống giống mùa vụ, có hàng bán tết cho chắc ăn. Thế nhưng năm nay, chờ mãi, trong khi lũ trên sông Đồng về đúng mùa thì lũ sông Lũy chẳng thấy đâu. Ai cũng nghĩ năm nay lũ sông Lũy không về thì nó lại lừng lững về trong tháng 12, cái tháng mà bao nhiêu loại cây trồng ven sông bước vào giai đoạn kết trái, chuẩn bị thu hoạch. Một cơn lũ vào tháng 12 bất thường, kỳ dị được xem là mấy mươi năm mới quay lại khiến bao nhiêu tài sản, công sức của hàng nghìn hộ dân ở vùng Bắc Bình trôi theo dòng nước. Người ta bỗng nghi ngờ về nó nhiều hơn. Rằng bao năm nay, có bao nhiêu người chứng kiến rõ ràng lũ sông Lũy. Tất cả đều chỉ xem lại vết lũ, vết rác rưởi, bùn đất đọng lại đêm qua trên cây cối, hàng rào… Và để phân tích được bản chất của cơn lũ, bản chất sự bất thường, tìm cách “giảng hòa” với dòng sông, khoảng 4 - 5 năm trước, tỉnh đã kêu gọi được nguồn vốn của Bỉ thực hiện dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại Bình Thuận, trong đó nghiên cứu chỉnh trị lũ lụt trên sông Lũy. Còn nhớ, tại một buổi hội thảo của dự án diễn ra trong tháng 8/2016, các đại biểu đã lo sốt vó việc làm sao “bắt” được lũ trên sông Lũy, vì nghi năm nay lũ sông Lũy không về. Giờ lũ sông Lũy đã về với những vết lũ còn ở khắp nơi. Vài ngày nữa, những vết lũ ấy sẽ phai đi nhưng có lẽ “vết lũ” trong đời sống người dân là lâu phai và khó khăn nhất. Trước mắt phải làm sao để người dân không đói ăn và có tết…

    
      Theo ước tính, đến nay lũ trên sông Lũy vào tối 13/12 làm thiệt hại   khoảng 600 ha rau màu, lúa, bắp, dưa đậu các loại. Các nơi thiệt hại   nặng nhất là Lương Sơn, Chợ Lầu và Hồng Thái.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vết lũ