Theo dõi trên

Vay tiêu dùng trả góp nhiều rủi ro

22/06/2017, 08:41 - Lượt đọc: 6

BT- Vay tiêu dùng là vấn đề bức thiết của người dân có thu nhập thấp bởi tính chất khả dụng để mua sắm các vật dụng gia đình. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất “khủng” gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng đã khiến nhiều người vay rơi vào vòng xoáy khó trả nợ dẫn đến nợ xấu… để hiểu rõ thêm vấn đề, phóng viên Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Bùi Xuân Chỉnh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận…

Hiện nay, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, cửa hàng điện thoại, các hệ thống bán xe máy… có các nhân viên công ty tài chính tư vấn vay vốn để mua hàng trả góp. Là người quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng,  ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Bùi Xuân Chỉnh: Theo quy định pháp luật hiện hành, công ty tài chính là một loại hình tổ chức tín dụng, có chức năng cung ứng dịch vụ tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân để mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng, với tổng dư nợ đối với một khách hàng tại công ty tài chính không  quá 100 triệu đồng. Nhu cầu mua, sử dụng hàng hóa  vay tiêu dùng ở đây bao gồm: mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí sửa nhà, chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch… Cho vay tiêu dùng thường được thực hiện theo phương thức vay trả góp, theo đó khi vay vốn, công ty và khách hàng xác định và thỏa thuận số lãi phải trả cộng với số nợ gốc được chia ra để trả nợ theo nhiều kỳ (thông thường là hàng tháng)  trong kỳ hạn cho vay. Để phát triển, mở rộng quy mô cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính thường có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ như các siêu thị, các trung tâm thương mại, cửa hàng điện thoại, xe máy… để mở ra các điểm giới thiệu dịch vụ tài chính tiêu dùng.  Trên địa bàn tỉnh hiện nay, hiện có 562 điểm giới thiệu dịch vụ của 5 công ty tài chính tham gia cho vay tiêu dùng. Các điểm này có chức năng thu thập thông tin, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của khách hàng nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty. Sự liên kết mở ra các điểm giới thiệu dịch vụ tài chính tiêu dùng cũng mang lại cho các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ bán được nhiều hàng hóa và bản thân khách hàng khi phát sinh nhu cầu tiêu dùng cũng thuận lợi trong tiếp cận lựa chọn dịch vụ này. Nhờ sự phát triển đó đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, nhất là ở các vùng nông thôn.

Được biết, hồ sơ thủ tục cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính rất đơn giản, chỉ cần hộ khẩu, CMND hoặc giấy phép lái xe, khách hàng có thể nhanh chóng vay được khoản tiền trả góp để mua hàng hóa tiêu dùng. Điều này đã tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ, song ở chiều ngược lại khách hàng sẽ chịu thiệt thòi gì?

Khách hàng cá nhân vay vốn công ty tài chính phần đông là người có thu nhập thấp, vay dưới hình thức tín chấp, nguồn trả nợ chủ yếu dựa vào thu nhập trong tương lai (không phải là nguồn thu nhập từ vốn vay tạo ra), nên mức độ rủi ro tín dụng thường cao hơn, do vậy khách hàng thường phải chịu lãi suất cao so với lãi suất vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Trên thực tế, nhiều khi khách hàng có khả năng tài chính, có tài sản có thể làm đảm bảo vay vốn, hoặc đang vay từ các NHTM, song với  thủ tục vay tiêu dùng đơn giản, nên khi phát sinh nhu cầu mua hàng hóa tiêu dùng họ lại vay công ty tài chính. Điều này vô hình trung khách hàng tự nguyện chấp nhận vay với mức lãi suất cao hơn so việc đi vay từ các NHTM. Do tính chất món vay tiêu dùng nhỏ, cùng với tâm lý được vay nhanh, nên nhiều khi khách hàng không chú ý đến các điều khoản cụ thể  trong hợp đồng vay vốn thì có thể chịu những bất lợi như: lãi suất quá cao mà không biết; không được xem xét cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn hoặc bị chuyển nợ quá hạn mà không được thông báo trước… Trong trường hợp bị chuyển nợ quá hạn, nếu khách hàng đang có dư nợ vay ở NHTM khác, thì theo quy định pháp luật hiện hành tất cả số dư nợ ở NHTM cũng phải chuyển sang nợ quá hạn, khi đó khách hàng không chỉ chịu lãi suất cao mà còn tạo nên “lịch sử” quan hệ tín dụng của mình không tốt, sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn lần sau, hoặc mất cơ hội thụ hưởng chính sách khách hàng của NHTM.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, ông có khuyến cáo gì đối với khách hàng khi vay tiêu dùng trả góp.

Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư  43 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính trong đó có các quy định liên quan đến quyền lợi khách hàng.  Ở đây, khách hàng vay tiêu dùng cần lưu ý thêm một số vấn đề: Trước hết khi có ý định vay vốn, người tiêu dùng nên cân nhắc về khả năng tài chính của bản thân, chỉ nên vay để mua những sản phẩm tiêu dùng thực sự cần thiết và phù hợp với khả năng  tài chính của mình để không phải chịu gánh nặng trả nợ quá sức sau này. Khi quyết định vay thì lựa chọn một địa chỉ cho vay trả góp có uy tín, với những địa điểm mua sắm liên kết tài chính đáng tin cậy thì không những thời gian ký kết hợp đồng sẽ rất nhanh chóng mà còn có thể được ưu đãi với lãi suất thấp. Riêng đối với khách hàng đang quan hệ tín dụng tại các NHTM, khi phát sinh nhu cầu tiêu dùng thì nên tận dụng mối quan hệ này để được vay, hoặc được cung cấp thẻ tín dụng để sử dụng khi cần thiết, vì các NHTM luôn có chủ trương cung cấp sản phẩm dịch vụ trọn gói cho khách hàng; Nghiên cứu kỹ hợp đồng thỏa thuận vay vốn và hỏi lại khi chưa hiểu một điều khoản hoặc bất kỳ một thuật ngữ nào đó khó hiểu, trong đó cần xác định rõ: thời hạn vay sao cho phù hợp nguồn thu nhập trả nợ; mức lãi suất vay cần được quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ thực tế và thời gian duy trì số dư nợ vay thực tế, lãi suất quá hạn… để có sự so sánh với lãi suất cho vay phổ biến của các NHTM trước khi quyết định vay. Thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hình thức thông báo cho khách hàng vay về trả nợ gốc lãi hoặc trước khi chuyển nợ quá hạn… Cuối cùng nếu đã quyết định ký hợp đồng vay trả góp rồi thì cố gắng thực hiện đúng thỏa thuận, để không bị nợ xấu, ảnh hưởng đến việc vay vốn sau này ở tổ chức tín dụng khác. Trong trường hợp phát hiện hợp đồng vay vốn mình đã ký có các nội dung chưa phù hợp Thông tư 43/2016 mà gây bất lợi cho mình, khách hàng cần mạnh dạn liên hệ công ty để có phụ lục điều chỉnh bổ sung, hoặc phản ánh về NHNN tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đóng trụ sở chính để được hỗ trợ…

Xin cảm ơn ông!

 Trần Thi (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vay tiêu dùng trả góp nhiều rủi ro