Theo dõi trên

Vận động người nhiễm HIV tiêm vắc xin phòng Covid-19

01/12/2021, 06:51

BT- Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12/2021 và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12), Bình Thuận triển khai với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19. (Ảnh minh họa)

Năm 2021, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến người nhiễm HIV và chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Nhìn chung, dịch Covid-19 bùng phát kéo dài nên ảnh hưởng đến nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS. Cán bộ và nhân viên y tế quản lý, điều trị bệnh nhân HIV được huy động cho công tác phòng, chống Covid-19 nên nhân lực thiếu. Nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV do mất việc làm, giảm thu nhập, kẹt tại các địa phương do hạn chế đi lại... do đó không đủ khả năng để chi trả cho các nhu cầu y tế thiết yếu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV khi mắc Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng hoặc tử vong, chiếm tỷ lệ hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV.

Tại Bình Thuận, lũy tích số người nhiễm HIV có địa chỉ tại tỉnh, tính đến nay là 1.639 người, xuất hiện ở 10/10 huyện, thị, thành phố. Trong đó, 1.104 người nhiễm HIV còn sống, 535 người tử vong do AIDS, 719 người được quản lý. Riêng năm 2021, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện thêm 80 người nhiễm HIV - tăng 16 ca so cùng kỳ năm 2020, 2 ca tử vong do AIDS - giảm 7 ca so cùng kỳ năm 2020. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện nằm trong độ tuổi 24 - 34 tuổi chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu nam giới chiếm tỷ lệ 81,25%, lây qua đường tình dục chiếm tỷ lệ 88,75% so với các đường lây còn lại. Nhìn chung, nhiều khó khăn trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, nhưng hoạt động phòng chống HIV/AIDS vẫn được duy trì đồng bộ.

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, người nhiễm HIV cần áp dụng các biện pháp can thiệp để giúp sống khỏe nhất có thể như: Tiếp cận sớm và điều trị bằng thuốc ARV sớm, tuân thủ điều trị. Những người nhiễm HIV nên được ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt mà không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch. Đó là khuyến cáo của WHO. Hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Ban chỉ đạo về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan, Ban chỉ đạo tuyến huyện đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục. Đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV được vận động để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS; nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch Covid-19. Đồng thời, mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV; cấp phát thuốc methadone, thuốc ARV cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vận động người nhiễm HIV tiêm vắc xin phòng Covid-19