Theo dõi trên

Thương… một làng nghề

12/01/2019, 10:56

 Ky nhựa đỏ

BT- Những chiếc ky nhựa màu đỏ nằm chỏng chơ bên hố nhỏ ven đường Hùng Vương, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Đó là những chiếc ky đựng thanh long đã hư.  Nó được những người đóng gói, chuyên vận chuyển thanh long đem ra bỏ vào hố khi không còn sử dụng vào việc gì được nữa. Ngày một nhiều thêm. Đến hôm nay, những chiếc ky ấy đập vào mắt những người đi đường, những người có nhà ở gần hố rác. Bà Trần Thị Liên, tuổi ngoài 60, da sáng, dáng vẻ như một nhà giáo, nhà ở gần đó cho hay: Rất nhiều lần muốn đốt những chiếc ky hỏng nhưng không đốt được. Nó cháy một lúc thì tắt, đồng thời bốc lên khói đen, mùi rất nặng, choáng váng đầu óc nếu lỡ hít phải. Bà Liên nói: “Không hiểu sao nhiều người cứ thích ky nhựa, chứ tôi thì thích giỏ cần xé đan bằng tre, bằng nứa, bằng lồ ô, bởi nó hư làm củi đun được, tro của nó trộn với phân bò, bón cho  cây được. Nói chung, rất thân thiện với môi trường.  Dừng một lúc bà Liên nói thêm: “Nhưng bây giờ ít người chuộng cần xé bởi ky nhựa không quá đắt tiền, dễ chà rửa… Nó giống như thói quen dùng bao xốp, đồ nhựa của nhiều người hiện nay, không  thể một lúc mà người ta thôi được!”.

                
Ông Nguyễn Thành Pháp đang đan cần xé.

 Chứng nhân

Đã có một buổi chiều tôi ngồi nói chuyện với bà Liên xung quanh cái đống rác ky nhựa ở gần nhà bà. Và, chúng tôi, tự lúc nào đã nói đến cái làng nghề cần xé, một loại giỏ đựng được lượng lớn hàng hóa, có thể xỏ đòn dài khiên (nhờ hai quay khá chắc) hoặc xách tay… ở thị trấn Tân Nghĩa của 20 năm trước.  Bà Liên nói: “Bây giờ còn khoảng 5 nhà làm thôi”. “Chị có nhớ tên họ không?”. “Đó là các ông Ánh, Nhu, Đáo... ở đường Cách mạng Tháng Tám và ông Nguyễn Thành Pháp, ở khu phố 2 gần nhà tôi. Vẫn câu chuyện xưa, bà Liên cho biết: Trước đây có tới 30 gia đình làm nghề đan cần xé. Cần xé làm ra chở đi bán các nơi, đặc biệt là về vùng biển: La Gi, Phan Thiết.  Xa hơn là miền Trung. Người ta sử dụng cần xé cho nhiều việc lắm. Ở Tân Nghĩa dùng để đựng mì xê (xắt lát, phơi khô bán cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc); đựng khoai môn bởi đất này từng là xứ sở của khoai… Nói chung, là một làng nghề phát đạt, giải quyết được lượng lớn lao động, nếu không muốn thanh niên tập trung vào rừng làm than, lấy gỗ lậu… Thế nhưng vì sao cái làng nghề ấy không còn như xưa? Chủ tịch UBND thị trấn Tân Nghĩa Đặng Thành Công nói: “Có một số nguyên nhân để nghề cần xé thu hẹp sản xuất. Trong đó có việc bây giờ người ta không còn xắt khoai mì thành mì xê, mà bán theo tấn, cứ tấn tính tiền. Người đóng hàng thanh long chuyển sang dùng ky vì nó vuông vắn, chiếm ít diện tích trong khoan xe, khoan tàu… và nếu bảo quản tốt dùng cũng rất lâu”.

 Người trong cuộc

Ông Nguyễn Thành Pháp, một trong số ít người còn đan cần xé ở Tân Nghĩa hiện nay, tuổi ngoài 50. Gia đình ông gồm nhiều thế hệ ở gần nhau, trong hai căn nhà làm cùng một diện tích, nằm không xa đường Hùng Vương (đồng thời là quốc lộ 1A). Ông Pháp có vẻ hơi bất ngờ vì đến nay vẫn có người hỏi công việc đan cần xé, bởi lâu rồi, kể từ khi nghề đan không còn “ăn nên làm ra”, cánh nhà báo chẳng còn mấy người lui tới viết bài như xưa. “Hơn 20 năm trước, tôi từ miền Trung vào đất này. Học nghề đan, rồi làm nghề”, ông Pháp chậm rãi. “Anh đan, tay anh như múa. Có bị đứt tay?”, tôi gợi chuyện. “Quen rồi thì ít, nhưng người mới đan, đụng đâu đứt đó vì nan rất bén. Chính vì quen nên, nếu có em gái tôi chẻ nan, một ngày tôi đan từ 2 - 3 chiếc,  mỗi chiếc rộng gần 70 cm, cao 60..”. Hiện nay, ngoài ông Pháp, vợ, em gái ông cũng đan. Mỗi người một phần việc. Lúc tôi bước vào nhà, bắt gặp em gái ông, ngoài 30 tuổi, đang chẻ nan thoan thoát. Ban đầu, cô gái chẻ tre thành những thanh lớn, sau đó tiếp tục chẻ thành nan nhỏ, bề ngang bằng nửa đốt ngón tay người lớn. “Ngày trước hàng làm ra khá nhiều?”. “Mỗi tháng cả gia đình tôi đan 400 chiếc là thường. Gia đình khác, lượng làm ra cũng ngang vậy. Làm đến đâu hết đến đó. Ngày nào cũng có xe lam từ La Gi lên tận nhà lấy giỏ, bởi ngày đó, xe đông lạnh ít hơn bây giờ. Các loại cá đều đựng trong cần xé. Một chiếc cần xé, trong lót một, hai lớp lá loan, loại lá hái từ rừng về, rồi bỏ cá vô, trên cùng là đá thì chở vô tới Sài Gòn không hư… Nay giỏ làm ra, chất đống đó, ai mua thì bán. Ngày công của tôi bây giờ trên 150.000 đồng nhưng ì ạch lắm vì hàng bán rất chậm”.

                
Trẻ em phụ cha mẹ vào thời điểm nghề đan    còn thịnh hành.

Dừng một lúc ông Pháp tiếp: “Nhưng nếu không làm, làm gì bây giờ? Mình không còn trẻ nữa để làm nông”. Trong lúc nói chuyện, tôi chú ý đến một đống nứa ngoài sân, nơi người em của ông Pháp đang rút từng cây để chẻ nan. “Bây giờ mình mua nứa có khó không?”. “Không khó mới ngộ. 20 năm trước, nứa cách đây khoảng một giờ đi bộ. Còn trước đó nữa,  bước ra khỏi nhà 150 m đã có. Bây giờ thì tít mù đường đi. Phải lên Tánh Linh, rồi lên La Ngâu, tìm mua ở những người có giấy phép khai thác. Mà lượng nứa khai thác bây giờ cũng ít lắm. Anh nhìn rừng còn lại trong tỉnh mà đoán”. Nứa, vâng! Loại cây nguyên liệu của cần xé cũng như tre theo chỗ tôi biết, ngày một ít đi. Một cây nứa hiện nay, tùy độ dài lóng, non hay già, được bán từ 20.000 - 30.000 đồng/cây. Mua sỉ giá thấp hơn đôi chút nhưng sẽ không rẻ. Điều đó ảnh hưởng tới giá thành của cần xé. Nó làm cho chiếc cần xé phải được bán ra khoảng 150.000 đồng/chiếc, trong khi một chiếc ky nhựa trọng lượng 1,2 kg, giá là 105.000 đồng/chiếc. Người buôn bán ắt không khỏi so sánh, chọn lựa. Cần xé hiện nay, ngoài người buôn hải sản nhỏ, mua để đóng hàng đường gần, còn lại là một lượng không nhiều nhà nông ở Tân Minh, Tân Thắng… dùng cần xé cho việc vận chuyển trái cây các loại, tránh bầm dập… Lượng hàng tiêu thụ thấp, dĩ nhiên nhiều gia đình buộc phải chuyển sang nghề khác, như cách nói của Chủ tịch thị trấn Tân Nghĩa Đặng Thành Công, khi anh trò chuyện với tôi về làng nghề cần xé. Làng nghề bây giờ, mạnh ai nấy làm, không còn tổ hợp tác như trước đây và trở nên bất định.

 Thân thiện môi trường

Hiện nay, khi nhắc lại chuyện làng nghề cần xé, nhiều người ở Tân Nghĩa không khỏi tiếc, vì ít ra khi hoạt động mạnh, nó góp phần giải quyết việc làm cho không ít lao động. Nhiều em nhỏ ở Tân Nghĩa trước đây, ngoài giờ học ở trường đã giúp cha mẹ đan giỏ, nhờ vậy mà ít lêu lỏng, nảy sinh thói hư tật xấu. Chưa kể, đó là loại giỏ khá bền, thân thiện với môi trường trong tình hình mà Việt Nam là nước  mỗi ngày thải ra môi trường 18.000 tấn rác thải nhựa; đứng thứ tư trên thế giới về thải rác thải nhựa ra biển.  Có lẽ câu chuyện về rác thải nhựa và sự tác hại của nó với môi trường, sự an toàn của cuộc sống, chưa nói tới những vấn đề xa hơn... đã ít nhiều tác động đến bà Trần Thị Liên, nên trong câu chuyện với chúng tôi bà không giấu được sự thở dài…

Phóng sự : Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương… một làng nghề