Theo dõi trên

Thiên tai cũng hiểm nguy không kém gì bom đạn chiến trường

16/10/2020, 15:00 - Lượt đọc: 28

BTO- Khi mưa gió vừa bùng lên, thiếu tướng Nguyễn Văn Man nhận nhiệm vụ lên đường chống lũ. Từ đơn vị, ông tạt qua nhà lấy mấy bộ quần áo rồi đi thẳng vào Huế. “Có ai ngờ đâu, đó là lần cuối cùng chú Man ghé nhà” - lời nghẹn lòng của người họ hàng kế bên nhà tướng Man kể.

Trưa 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có điện khẩn cho thiếu tướng Nguyễn Văn Man đề nghị hỗ trợ cứu nạn cho nhóm công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở núi và mất liên lạc. Con đường 71 vào vùng thủy điện đã bị sạt lở và ngập nước nên không thể đi xe đến nơi được.

Sau khi hội ý với các sĩ quan tham mưu và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thiếu tướng Man quyết định phải đi bộ để càng sớm càng tốt tiếp cận khu vực bị nạn để thị sát, nhằm có kế hoạch cứu nạn. Ngay đầu giờ chiều, nhóm công tác do thiếu tướng Man chỉ huy, cùng các cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi ngay vào Rào Trăng 3.

Họ đã chọn Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67, nơi có khu nhà ở kiên cố và cách thủy điện Rào Trăng khoảng 15km, để nghỉ qua đêm. Nhưng đến quá nửa đêm thì tai nạn kinh hoàng đã xảy ra, một mảng đất đá trượt xuống vùi lấp toàn bộ khu nhà. Lúc đó vào khoảng sau 00h rạng ngày 13/10. Tướng Man cùng một nửa đoàn công tác đã bị lũ chôn vùi.

Đến 19h30, ngày 15/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy các thi thể thành viên trong đoàn công tác gặp nạn tại Trạm bảo vệ rừng 67. Và đến 22h00 tối 15/10, thi thể nạn nhân cuối cùng trong nhóm 13 cán bộ tham gia cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được đưa về Bệnh viện Quân y 268, Thừa Thiên Huế.

Trong 13 cán bộ đoàn cứu nạn gặp nạn có ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Ông cùng đoàn đi cứu nạn, và rồi... Nỗi đau ập đến gia đình ông Bình có lẽ lớn hơn, khi vị cán bộ 42 tuổi vừa mới nhậm chức Chủ tịch UBND huyện đúng 1 tháng 12 ngày.

 Nghe tin ông Bình hy sinh, chiều tối (15/10) rất nhiều cán bộ Huyện ủy và UBND huyện Phong Điền đã đến trước cổng Bệnh viện Quân y 268, chờ các chuyến xe chuyên dụng đưa thi thể từ trên rừng xuống, để tiễn biệt. Nhưng nỗi đau thật khó vơi bớt khi nhiều cán bộ quân đội khác, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, cũng đã vĩnh viễn ra đi...

Suốt cuộc đời binh nghiệp, vượt qua biết bao gian nan, hiểm nguy, ông vẫn vững vàng. Vậy mà, chỉ một vụ sạt trượt đất bất ngờ giữa đêm khuya do mưa lũ, vị tướng ấy cùng 12 thành viên đoàn công tác đã ngã xuống nơi Trạm bảo vệ rừng 67, trong vô vàn nỗi tiếc thương của gia đình, đồng chí, đồng đội. Mới thấy, thiên tai lũ lụt cũng hiểm nguy không kém gì bom đạn chiến trường!

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và cá nhân Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc, đồng thời yêu cầu thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn và hậu phương gia đình, thân nhân. Nỗi đau nghẹn lòng trút xuống vùng lũ miền Trung càng khâm phục hơn sự hy sinh cao cả của cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ...

Sự hy sinh ấy mới thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tại bất cứ nơi đâu, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Tổ quốc, với truyền thống “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đều bất chấp mọi hiểm nguy, vượt qua mọi gian khổ để chiến đấu, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân”.

Ngoài làm tốt công tác nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quân đội của chúng ta cũng là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ...luôn quên mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên tai cũng hiểm nguy không kém gì bom đạn chiến trường