Theo dõi trên

Thầy rắn Lư Hào!

22/06/2018, 09:30 - Lượt đọc: 1,446

BT- Sáng 14/6/2018, tôi trở lại thôn Từ Tâm, xã Phước Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) thăm thầy rắn Lư Hào.  Ông sinh trưởng ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), hiện nay đang mở “phòng mạch” tại địa chỉ vừa nói trên.

Nhiều người bị rắn cắn ở nhiều địa phương trong cả nước khi tìm đến ông đều được ông chữa khỏi, cũng như nghe ông thông qua bắt mạch mô tả lại cách chính xác loại rắn cắn họ. Điều gì giúp ông Lư Hào có khả năng ấy?

                
Thầy rắn Lư Hào với chai thuốc chữa rắn    cắn.

Về một trường hợp

Trước đó, tôi chứng kiến chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) bị rắn độc cắn trúng tay sưng tấy. Nghe tiếng ông Lư Hào, chị tìm đến nơi với mong mỏi được chữa trị sớm. Hôm ấy, khi nhìn cánh tay của chị Hằng, ông Lư Hào liền tháo băng sơ cứu,  cầm vào cổ tay nạn nhân, bắt mạch.  Trán ông lúc này nhíu lại, người bất động, cảm tưởng như là ông đang nghe điều gì đó mà người bình thường như tôi không cảm thấy được. Đột nhiên, ông thở hắt ra, giọng chậm chắc: “Con bị loại rắn lục nưa mốc đuôi vàng, cắn. Loại này xếp thứ ba về nọc độc trong dòng rắn lục. Căn cứ vào nhịp nhanh, chậm của mạch, tôi đồ chừng con này dài khoảng 1 m và to hơn ngón tay cái một chút”. Trong khi ông nói, chị Hằng mặt cứ nghệch ra, bởi khi  nghe chị hô bị rắn cắn, mấy anh chị trong cơ quan túa ra đập chết con rắn thì nó dài đúng như ông Lư Hào vừa nói. Se sẽ, vuốt nhẹ mấy ngón tay xương xẩu xung quanh vết thương rắn cắn của chị Hằng, ông Lư Hào, lại giọng chắc nịch: “Các loại rắn này ban ngày khoanh tròn nằm ẩn mình trong lá ủ đến tối mới bò đi săn mồi. Bước đi của nó lượn sóng như hình chữ S, rất tinh khôn. Khi cắn được mồi nó búng mình tránh sang hướng khác. Khoảng 10 phút sau, đủ thời gian cho con mồi ngấm nọc độc tê liệt toàn thân, nó bò trở lại “đánh chén”.  Nói chung, cháu cũng may khi tới đây sớm”. Một lần nữa, mặt chị Hằng nghệch ra, rồi trên hai khóe mắt chị, hai dòng nước mắt ứa ra. Chị khóc vì mình may mắn chăng, tôi thầm nghĩ và thầm mừng cho chị.

Thầy rắn Lư Hào sau đó dùng dao lam bẻ nhọn chích vào hai vết răng rắn cắn giữa lòng bàn tay. Những giọt máu có nọc độc rắn bắn ra đen thui. Ông căn dặn: “Nếu bà con chẳng may bị rắn độc cắn đừng bao giờ lấy  tay nặn máu mà hãy dùng vật nhọn sắc chích vào dấu răng tự khắc máu độc sẽ bắn ra ngoài. Vì dùng tay nặn máu vô tình làm cho nọc độc ngấm nhanh vào thịt dẫn đến hoại tử”.

                
Bài thuốc độc vị chữa rắn cắn được tìm thấy    trong rừng.

Sau đó, ông Lư Hào cho chị Hằng uống hai chén nhỏ nước có màu đỏ thắm như nước nấu củ dền. Rồi dùng loại rượu có màu vàng sánh tẩm bông gòn đắp vô vết thương. Khoảng 30 phút sau, chị thấy tay bớt nhức, tinh thần tỉnh táo. Ông lại đưa tiếp cho chị khoảng một lít nước thuốc đựng trong bịch nylon và dặn: “Chia ra uống sau bữa ăn, trong hai ngày sẽ đẩy hết nọc độc ra ngoài”. Và, đúng như ông Lư Hào nói, sau vài ngày,  chị Hằng đã đi làm trở lại. Nhìn chị gõ máy tính, người ngoài cơ quan khó mà biết chị vừa bị rắn cắn, nguy hiểm đến tính mạng.

 Học nghề từ cha

Thầy rắn Lư Hào, sinh năm Kỷ Sửu - 1949. Khi còn nhỏ ở quê, ông được người cha là ông Lư Măng truyền nghề chữa bệnh rắn cắn. Khi ông lên mười tuổi thì cha già yếu, tai bị điếc nặng. Ông đi theo cha làm “thông dịch” tiếng Chăm để cha chữa trị cho những người bị rắn cắn. Trong 4 người con của ông Lư Măng, Lư Hào tính nết hiền lành, chân chất, chịu thương chịu khó. Điều ấy khiến ông Lư Măng quyết định truyền nghề cho con. Ở chòi rẫy giữa cánh đồng Tà Bo, cách làng Bình Thắng khoảng 5 cây số, vào một ngày đã định, ông Lư Măng làm lễ cúng ra tổ nghề rắn, cũng như khấn với tổ nghề cho phép thu nhận Lư Hào làm đệ tử chân truyền. Sau đó là những ngày ông Lư Măng vô rừng Tà Bo tìm bắt các loài rắn độc từ bực thấp đến cao đưa về... rồi cho rắn cắn “đệ tử” Lư Hào. Ông Lư Hào nhớ lại: “Lúc đầu bị rắn độc cắn, tôi đau nhức toàn thân, mồ hôi mồ kê tuôn ra như tắm... chân tay xuôi đi. Lúc ấy cha tôi thường ngồi bên cạnh động viên: Cố gắng lên con. Chịu đau để sau này cứu bá tánh”. Tôi nghe lời dạy của cha tôi, tin rằng nếu tôi cố gắng thì sau này người làng tôi sẽ được tôi cứu chữa… nên nghiến răng chịu đựng cơn đau. Cho đến một ngày, sau khi  cho con rắn hổ mang cắn tôi hai phát, thấy tôi chỉ thoáng rùng mình... vẫn đi đi lại lại bình thường thì cha tôi ôm lấy tôi khóc. Ông nói: “Con trai, con đã là truyền nhân rồi! Tôi, Lư Măng xin cảm ơn đất trời, tổ nghiệp đã chọn con tôi làm nghề chữa trị rắn cắn. Người làng tôi, những ai ở xứ xa, cũng sẽ được nhờ bởi con tôi!”.

Nhớ lời cha dặn, gần nửa thế kỷ, ông Lư Hào tận tâm cứu chữa cho hàng ngàn người bị rắn độc cắn, với mức thù lao vừa đủ mua lại các loại rễ cây đến ngâm thuốc trừ nọc độc. Hai vợ chồng ông vẫn sống nghèo, trông nhờ vào mùa màng của 5 sào ruộng gieo trồng mỗi năm 3 vụ lúa.

 Thầy rắn nói chuyện rắn

Hàn huyên với thầy rắn Lư Hào, tôi thầm phục trước hiểu biết sâu sắc của ông về đặc tính của các loài rắn độc tấn công có thể làm chết người. Theo ông, loài rắn có nọc độc thuộc đầu bảng đang hiện hữu ở các tỉnh Nam Trung bộ là rắn trun. Loài rắn này da đen láng, dài khoảng 2 tấc, sống chui dưới đất. Nếu ai rủi ro bị rắn trun cắn nếu không được cứu chữa kịp thời có thể chết sau 1 - 2 giờ. Trong nhóm rắn lục, có ba loài là lục nưa xanh, lục nưa lửa, lục nưa mốc. Bị các loài rắn lục cắn nạn nhân có thể chết trong vòng 12 - 24 giờ. Nhóm rắn hổ cũng có ba loài là: hổ chúa, hổ mèo, hổ mang. Nọc độc của rắn hổ nằm ở hai bên mang. Khi bị rắn hổ phun nọc độc làm hoại tử da thịt. Trường hợp bị rắn hổ cắn thì không chết người nhưng nọc độc từ mang tiết ra theo răng ngấm vào vết thương gây hoại tử phải chịu tháo khớp. Và loài rắn độc không thuộc các nhóm nói trên là rắn khâu, gồm: khâu đen, khâu đỏ, khâu xanh. Nếu bị rắn khâu cắn gây hoại tử vùng bị cắn và suy hô hấp dẫn tới ngừng thở trong thời gian 12 - 24 giờ. Trung bình mỗi tháng, thầy Lư Hào chữa bệnh rắn độc cắn cho khoảng 10 nạn nhân. Những tháng trời chuẩn bị bước vào mùa mưa thì số người bị rắn cắn nhiều hơn các tháng khác. Trong 10 người bị rắn độc cắn ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, có đến 7 người là nạn nhân của loài lục nưa lửa. Nọc độc lục nưa lửa gây sưng phù vùng bị cắn, da nứt như trái dưa gang chín, lỗ chân lông rỉ máu, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Trong cuộc đời làm thầy chữa rắn cắn, Lư Hào cứu chữa cho hàng ngàn người thoát khỏi lưỡi hái thần chết hoặc tránh cảnh tật nguyền do tháo khớp. Từ khi có phong trào thưởng thức đặc sản rắn của dân nhậu, nhiều người săn bắt và chủ vựa thu mua bị rắn độc cắn. Những người bị nạn đều tìm tới nhờ ông cứu chữa như chủ vựa Long Nghĩa ở thị trấn Phước Dân (Ninh Thuận); chủ vựa Tư Khoa ở vùng biển Bình Sơn (Quảng Ngãi); ông Nguyễn Thành Tín ở La Gi (Bình Thuận). Ông cũng đã đau lòng chứng kiến hai trường hợp bị rắn độc cắn tử vong vì gặp thầy quá muộn. Trường hợp thứ nhất là giữa năm 2008, ông M. đang nhậu với bạn bè ở chòi rẫy. Thấy rắn khâu bò tới chỗ nhậu, ông nói là con trăn đưa tay ra bắt bị rắn cắn từ lúc 1 giờ trưa. Đến 3 giờ chiều thì mờ mắt nằm gục tại bàn nhậu. Gia đình chở về nhà, mời thầy Lư Hào. Ông tới bắt mạch đưa dao lam chích vào vết thương không bung máu. Do có rượu trong người làm chất lưu dẫn nên nọc độc rắn khâu làm đông máu rất nhanh. Ông H. qua đời, da tím như trái mồng tơi. Trường hợp thứ hai là sáng sớm đầu mùa mưa năm 2012, ông thấy xe thồ chở chàng trai bị rắn cắn chạy tới sân nhà ông. Khi ông ra phụ đỡ người bị nạn xuống xe, anh ta bước lảo đảo rồi gục chết dưới gốc cây bàng. Nhìn vết thương trên vai, ông biết nạn nhân bị rắn lục xanh cắn. Người chạy xe thồ cho biết anh này đi hầm than trên núi bị rắn cắn từ đầu hôm nhưng đến gần sáng người nhà mới đưa xuống núi chạy tìm đến thầy rắn, ông Lư Hào lấy làm tiếc vì quá muộn!

 Gian nan tìm thuốc rắn

Thầy rắn Lư Hào bẻ nhỏ cây thuốc rắn đổ nước sôi vào chén. Chỉ trong chớp mắt, chén nước có màu đỏ thắm như nước củ dền. Nhưng nếu ngâm trong rượu thì cây thuốc rắn lại có màu vàng sóng sánh. Đây là bài thuốc độc vị của dân tộc Chăm chữa trị rắn cắn hiệu nghiệm do cha ông truyền lại. Khi gặp người bị nạn, trong uống ngoài thoa bài thuốc này sẽ loại thải được nọc của các loài rắn độc. “Trời đất sinh ra rắn độc thì trong thiên nhiên cũng có bài thuốc giải độc rắn, tạo hóa vốn dĩ rất công bằng”, ông Lư Hào nói. Điều quan trọng là ông thầy phải nắm vững đặc tính dược lý của thuốc để sử dụng liều lượng phù hợp với thể tạng của từng người và từng loại nọc rắn.

Hàng năm cứ độ ra giêng là ông Lư Hào khăn gói lên rừng đi dọc dải Nam Trường Sơn, từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng, Bình Thuận, tìm cây thuốc rắn. Đây là loài thảo dược quý hiếm sống “cộng cư” dưới tán rừng dầu rái. Ngày lặn lội trèo non lội suối đi tìm thuốc, tối tìm đến các lâm trường hoặc thôn, xóm đồng bào dân tộc thiểu số xin ngủ nhờ qua đêm. Nếu may mắn thì đi mươi bữa hái thuốc về đủ xài cho cả năm. Trước khi đi, ông cẩn thận sắc thuốc gởi lại nhà căn dặn vợ con cứu giúp người bị nạn. “Biết rằng nghề thầy rắn không thể làm giàu nhưng mình vẫn phải đeo mang suốt đời vì đây là nghiệp dĩ của cha ông truyền lại”.

 Nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút đi rất nhiều nhưng  ông vẫn nói: “Còn khỏe là tôi còn chữa trị giúp bà con. Thấy người bị rắn độc cắn được thoát khỏi cảnh nguy nan là lòng mình ấm áp niềm vui”. Sau lời nói ấy là tiếng cười hồn hậu của ông thầy chữa rắn cắn.

    
Ai bị rắn cắn cần biết
  Bà con gần xa chẳng may bị rắn cắn cứ gọi vào số máy 01645097252, ông Lư   Hào sẵn sàng hướng dẫn biện pháp sơ cứu và cách chữa trị.

Phóng sự: Thái Sơn Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy rắn Lư Hào!