Theo dõi trên

Thấp thỏm lo âu vì dịch Covid-19 

07/08/2020, 10:09 - Lượt đọc: 20

BT- Là tâm trạng của hầu hết chủ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Những tưởng dịch đã qua, sớm ổn định hoạt động trở lại, nhưng dịch lại bùng phát khiến mọi thứ chồng chất khó khăn.

                
   Sự vắng vẻ của ngành du lịch trong dịch    Covid-19.

Sau đợt dịch Covid – 19 đầu tiên, từ giữa tháng 5 mọi hoạt động kinh doanh phục vụ người dân dần phục hồi, nhất là ngành du lịch. Nhưng chưa kịp phục hồi thì đợt dịch thứ 2 lại đến, khiến những hy vọng vực dậy hoạt động kinh doanh đổ vỡ.

Dạo một vòng các khu du lịch mới thấy sự vắng vẻ, làm chúng ta không khỏi nhớ những ngày tháng này của những năm trước, khi tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu sầm uất nườm nượp du khách trong và ngoài nước. Người nước ngoài, nhất là đến từ các nước Nga, Anh, Đức... làm ăn sinh sống đông đúc, nhưng hiện đều đã về nước để lại không gian vắng lặng. Sự vắng lặng ấy là một phần trong chính sách đóng cửa biên giới của các nước. Điều này đồng nghĩa với việc cấm người qua nước thứ 2, thứ 3 để phòng dịch. Việt Nam – một trong những quốc gia phòng, chống dịch tốt, sớm kích cầu du lịch trong nước. Doanh nghiệp du lịch vui mừng kêu gọi nhân viên đi làm trở lại, chuẩn bị tâm thế quảng bá thu hút khách nội địa hy vọng kinh doanh ổn định. 

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường, tiếp tục bùng phát trở lại khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 7 ở thành phố Đà Nẵng, đang lây lan diện rộng. Một lần nữa các cơ sở du lịch “ngồi nhìn” khách hủy phòng sau bao ngày quảng bá thu hút. Nhiều nhân viên ngành du lịch lần nữa lo thất nghiệp sau nhiều ngày thất nghiệp.

Ở Bình Thuận hiện chưa phát hiện ca lây nhiễm, khi nhiều trường hợp từ vùng dịch trở về địa phương đã đưa đi cách ly phòng, chống lây nhiễm. Nhiều cơ sở du lịch hiện vẫn chưa chính thức cho nhân viên nghỉ, hoạt động cầm chừng trong nỗi lo số người nhiễm và chết trên cả nước tăng. “Hiện nay giám đốc công ty chưa chính thức lên tiếng cho nhân viên nghỉ vì đang nghe ngóng tình hình. Nhưng nếu tình hình tồi tệ hơn họ sẽ phải cho nghỉ, bởi không có khách lấy đâu có nguồn thu trả nhân viên...”, Nguyễn Thu Thủy, trợ lý giám đốc một khu nghỉ dưỡng ở Hàm Tiến chia sẻ. Trong khi Thu, một nhân viên khu nghỉ dưỡng khác nói: “Bọn em cũng lo thất nghiệp. Chị giám đốc chưa cho tụi em nghỉ, có thể chị ấy ngại nói cho tụi em nghỉ hoặc cho tụi em nghỉ sợ hết dịch phải tuyển nhân viên. Vừa rồi tổ chức họp, tụi em nói thẳng, không có khách chị cho tụi em nghỉ khi nào cần chị gọi điện tụi em đi làm, nhưng hiện chị ấy vẫn chưa giải quyết...”. 

Trong đại dịch Covid-19, du lịch là ngành bị “tổn thương” nặng nề nhất. Dịch diễn ra trong thời gian ngắn còn có thể vượt qua, nhưng kéo dài rất khó cho các cơ sở du lịch. Hầu như chủ các cơ sở như đang ngồi trên đống lửa, cho các nhân viên nghỉ toàn bộ thì ai chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở, giữ lại thì vẫn phải trả lương, trong khi không hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, cũng có doanh nghiệp du lịch đóng cửa, vì có hoạt động cũng không mang lại hiệu quả, chấp nhận trả lương nhân viên bảo vệ, chăm sóc cơ sở. Và rất có thể sẽ như vậy với nhiều cơ sở du lịch khác, nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan. Hy vọng dịch Covid-19 sớm chấm dứt “mang lại sức sống mới” cho các ngành nghề nói chung và ngành du lịch nói riêng, để mọi người không phải thấp thỏm lo âu như hiện nay.

 Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấp thỏm lo âu vì dịch Covid-19