Theo dõi trên

Tản mạn về Tràm Chim

21/07/2017, 11:10

BT- LTS: Ngoài cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, anh Dương Văn An còn là người viết văn xuôi. Một số tác phẩm của anh  đăng rải rác trên Tiền Phong. Văn của Dương Văn An giàu nhịp điệu, mạnh về chi tiết và hình ảnh nhờ tài quan sát. Tản mạn về Tràm Chim của anh đăng trong số này là bức tranh sinh động về sông nước, đặc biệt là đời sống dân giã của người miền Tây.

Tràm Chim Tam Nông, Đồng Tháp rộng hơn 7,5 nghìn ha, là nơi cứ trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá, 147 loài chim nước, trong đó có 13 loại chim nước quý hiếm của thế giới, tiêu biểu nhất là sếu đầu đỏ (còn gọi là hạc) đã được đưa vào sách đỏ. Thảm thực vật ở đây cũng đặc biệt, với quần xã tràm, sen (Đồng Tháp nổi tiếng về sen - Tháp Mười đẹp nhất bông sen), năng (củ năng)...

Một góc vườn quốc gia Tràm Chim.

Hôm qua đi thăm Tràm Chim, có một vài trải nghiệm cùng chia sẻ...

Từ trụ sở vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông, thuyền máy mất 45 phút đưa chúng tôi vào điểm ngắm chim đầu tiên. Thuyền băng qua những “rừng” sen nở rộ, rừng tràm âm u. Nước trong vắt, cá lượn dưới thuyền, những chú bồ nông, bói cá chao nghiêng trên đầu. Kỳ thú, mê hoặc, quá tuyệt vời. Chỉ muốn nhảy ùm xuống nước, bơi với cá, lặn với chim, vươn mình sải cánh với những lá sen, nụ sen mới ngoi lên khỏi mặt nước. Chỉ nghĩ đến thôi, cũng thấy sảng khoái đến khỏe người...

Đến trạm dừng, tranh thủ bỏ lưới, câu cá. Chẳng mấy chốc, được một mớ cá lóc, cá rô đồng tươi ngon. Người nướng, người kho, người đi hái lá sen non làm món cá quấn lá sen. Dân dã, đồng quê như trở về thuở sơ khai của ông cha...

Bữa rượu dân dã, được nghe nhiều câu chuyện lạ về những động vật lưu trú ở Tràm Chim. Có người nói, chim hạc thật giỏi, nó bay mỗi ngày hơn 1.000 km, nó di cư từ châu lục này sang châu lục khác để kiếm ăn. Loài sếu ở Tam Nông hiện giờ chắc đang ở châu Phi, gần tết (mùa nước khô, củ năng lộ ra) mới quay trở về. Nghĩ, sếu giỏi thật. Bay trên trời cao, sao biết ở đâu có thức ăn mà đến? Bay xa hàng chục ngàn cây số (có khi bay nửa vòng, một vòng trái đất) sao vẫn về đúng “chốn cũ”?. Rồi thế hệ này mất đi, thế hệ sau sao vẫn biết làm như vậy? Nghĩ, tạo hóa thật tuyệt vời!

Người dân hái lá sen non.

Có người nói, chim bìm bịp cũng có những điều tuyệt vời. Nó là khắc tinh của rắn, kể cả rắn hổ mang. Rắn dù độc bao nhiêu, dù to đến mấy, thấy bìm bịp đi qua là đờ đẫn, miệng không há ra được để bắn nọc độc. Chim bìm bịp cũng là “thầy thuốc” giỏi. Nếu ai bẻ cánh chim con, nó tự tìm thuốc về đắp, 2 ngày là lành lặn. Bẻ thêm lần nữa, cũng vậy. Nhưng để lần thứ 3, đừng có dại, vì một chú hổ mang sẽ ngoạm lấy tay bạn. Người ta nói, bìm bịp bực quá, mang rắn hổ về để bảo vệ con. Hỏi lại, vậy đã có ai thấy rắn hổ nằm trong tổ chim chưa? Mọi người nói: Chỉ nghe người già nói vậy, chứ cũng chưa bao giờ gặp. Mà cũng vì không có bẻ cánh chim non...

Câu chuyện khác, kể về chim dòng dọc. Loài đó làm tổ trên lá cây để đẻ trứng, ấp nở thành con. Khi chim con biết bay, mẹ, con rời tổ cũng là lúc lá cây rụng xuống, rụng luôn cả tổ chim.

Nhiều câu chuyện lạ, thật lạ về chim...

Trời nhá nhem tối, cũng là lúc chim bắt đầu về tổ, tiếng kêu, tiếng hót, tiếng vỗ lách cách xào xạc một góc rừng. Anh gác rừng cho biết, đến mùa sếu về, âm thanh còn rộn rã hơn nữa. Sếu gọi nhau, “đá” nhau, “vờn” nhau để bày tỏ tình yêu...  Tất cả những tiếng động phát ra hòa lẫn như một dàn đồng ca hoang dại mà khó một nhà soạn nhạc nào, ban nhạc nào viết được, chơi được như vậy. Người gác rừng còn nói, hôm nay vào muộn, chứ vào sớm, đi tiếp, sẽ đến nơi chim đẻ trứng. Chim lúc ấp trứng, rất dạn, mình đến gần cũng không bay. Hỏi: Vậy các anh ở trong này có bắt chim làm thịt không? Anh cười: Mình đang bảo vệ chim mà, không bao giờ bắt chim làm thịt. Chỉ bắt cá thôi. Cá, tôm thì thoải mái... Ăn không hết, còn làm nước mắm nữa. Nước mắm các anh đang ăn là nước mắm cốt cá sặc đó. Ở trong này, chúng tôi chỉ mang theo gạo thôi.

Sếu đầu đỏ.

Sau khi làm xong đồ mồi và chúng tôi trải những lá sen to bự giữa nền nhà làm mâm. Ở Đồng Tháp, có vùng lá sen to bằng cái nia, nếu ta đặt ngửa cái bàn lên và bước lên ngồi trên đó, cũng không bị chìm. Chuyện thiệt 100/100. Ngày xưa, Phật đã từng tọa lá sen qua sông mà! Lần đầu tiên, tôi được ăn món cá lóc nướng quấn lá sen. Lá sen non (loại chưa mở cánh, đang quấn lại như nắm tay, để ngửa, nhưng dài, thon như chiếc thuyền chứ không vuông vắn như nắm tay) hái từ đầm lên, không rửa, cứ thế mở 2 cánh ra, nhét cá lóc vào vừa đầy, căng phồng lá là được. Nước chấm cũng được pha chế theo dân dã, gồm nước mắm, me chua, ớt, riềng, một ít tỏi, gừng... Lá sen có vị đăng đắng, nhẫn nhẫn nhưng lại ngọt hậu. Thịt cá lóc đồng thơm lựng, cả hai vị đồng quê quyện vào nhau cho một món ngon đến tuyệt vời.

Khi đàn chim đi ngủ, chúng tôi cũng xuống thuyền trở về. Ánh trăng rọi xuống mặt nước long lanh, rồi tan ra, chạy theo từng con sóng. Thỉnh thoảng, những chú chim vụt bay bởi giật mình nghe tiếng động. Giữa mênh mang nước, mênh mang sen, mênh mang năng, chiếc thuyền như nhỏ lại, nhỏ lại rồi khuất dần giữa Tràm Chim...

Ký: Dương Văn An



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản mạn về Tràm Chim