Theo dõi trên

Tái diễn các điểm tập kết phế liệu trong khu dân cư?

04/12/2020, 10:45

BT- Trong thời gian qua, chính quyền các cấp và địa phương trong tỉnh đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, di dời các cơ sở thu mua phế liệu từ khu dân cư tập trung đến vị trí phù hợp. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tình trạng một số điểm thu mua tái hoạt động trở lại, hoặc đối phó với cơ quan chức năng… 

Tái hoạt động

Trong nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11- HĐND tỉnh khóa X vừa diễn ra, các đại biểu quan tâm vì sao đến nay, tại nhiều khu dân cư tập trung ở TP. Phan Thiết và nhiều đô thị khác vẫn chưa thực hiện rốt ráo việc di dời các cơ sở thu mua phế liệu. Vậy trách nhiệm này thuộc về cơ quan, đơn vị nào và đến bao giờ mới thực hiện xong? Những câu hỏi này hoàn toàn có căn cứ, bởi nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 có ghi “…di dời các khu tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư tập trung trước ngày 1/7/2017”.

Theo nội dung trả lời của UBND tỉnh, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có 355 cơ sở thu mua, tập kết phế liệu nằm trong khu dân cư, cần phải di dời. Đến đầu tháng 3/ 2019, tất cả các địa phương hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư hoặc đã chấm dứt hoạt động, chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Với mục tiêu không để phát sinh mới các điểm thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư… Tuy nhiên, về sau một số điểm thu mua có những hành động đối phó như đóng cửa khi có lực lượng canh trực, không chấp hành các quyết định xử phạt. Có cơ sở còn chuyển sang thu mua sắt cũ, thu hẹp quy mô nhưng vẫn tiếp tục lén lút hoạt động hay tái hoạt động trở lại.

Kiên quyết di dời

UBND tỉnh cho biết, đến cuối quý 3/2020, các địa phương đã di dời, chấm dứt hoạt động 339/355 cơ sở kinh doanh phế liệu trong khu dân cư, đạt 95,5%. Trong đó, thị xã La Gi và các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong, Phú Quý không có phát sinh mới và không có cơ sở thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động. Các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đã hoàn thành việc di dời các cơ sở thu mua, tập kết phế liệu ra vị trí mới xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ… Riêng TP. Phan Thiết và huyện Bắc Bình đã có chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư tái hoạt động trở lại. Mặc dù thời gian qua trên địa bàn tỉnh không có cơ sở thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư xảy ra cháy nổ, nhưng đây vẫn là nỗi lo lắng của rất nhiều người dân sinh sống xung quanh.

UBND tỉnh nhìn nhận, việc di dời các cơ sở thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Vì sao việc di dời lại khó đến vậy?  Nguyên nhân được đặt ra là do đa số các hộ dân thu mua phế liệu là người nhập cư. Nghề thu mua phế liệu là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trong khi đó, tỉnh chưa có quy định cụ thể về cấm hoạt động loại hình kinh doanh phế liệu trong khu dân cư để có cơ sở cưỡng chế, xử lý hành chính. Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, hướng dẫn các địa phương biện pháp hiệu quả để di dời dứt điểm các cơ sở thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư đảm bảo đúng quy định pháp luật. Song song, tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành việc di dời, chấm dứt hoạt động 16 cơ sở kinh doanh phế liệu tái hoạt động trong khu dân cư trên địa bàn TP. Phan Thiết và huyện Bắc Bình trong thời gian sớm nhất.  

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái diễn các điểm tập kết phế liệu trong khu dân cư?