Theo dõi trên

Săn gà rừng - nghề chơi lắm công phu!

10/05/2019, 09:33

BT- “Nói chơi cũng được mà nói kiếm thêm thu nhập cũng được chú à”, Nguyễn Văn Phương năm nay 20 tuổi, con đầu của anh Năm ở thôn Văn Kê, xã Tân Thành nói, khi chúng tôi leo dốc cát đi vào núi Tà Đặng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Hàm Thuận Nam).  Đang  mùa khô. Đã có vài cơn mưa nhỏ nhưng nhiều mảng rừng ở đây vẫn trụi lá, trơ những cành khô xương xẩu, chĩa thẳng lên trời sẵn sàng cháy khi có mồi lửa nhỏ. Tuy vậy, sườn Đông của núi vẫn còn nhiều sắc xanh. “Núi Tà Đặng là chỗ gà rừng hay ở nhất. Gà chạy nhanh, con trống còn bay rất xa và bay cao, sống trên cây như chim”, Phương nói khi chúng tôi đi hết con dốc, đang trên đường lên sườn Đông, một con đường có nhiều đá tảng. Sau vài lần nghỉ lấy sức, Phương đưa tôi đến một trảng đất cạnh dòng suối nhỏ ri rỉ nước, nơi những người dân trồng đậu xanh. “Ngoài nơi  được cuốc (cày) lật đất, còn nhiều côn trùng, gà rừng còn kiếm ăn trong những đám đậu, những nơi đất ẩm, chú à!”, Phương nói khi vừa tới đầu trảng. Tôi ước chừng trảng...

                
Thuần dưỡng gà rừng với gà nhà tại thôn An    Vinh, xã Sông Phan (Hàm Tân).

Quanh trảng là cây bụi, là rừng... Chúng tôi tìm thấy một cây cao, có bóng râm lớn để đặt những đồ nghề mang trên người xuống. Đó là cái lồng sơn màu xanh, tựa như hom đựng cá đi câu, trong đó nhốt một con gà rừng thuần dưỡng, còn gọi là gà mồi.  Đó là chiếc cần bằng cật tre già đen bóng, dài hơn 1,2 m bề ngang bằng hai đốt ngón tay, có một đầu nhọn để cắm xuống đất, còn đầu kia có khất để buộc sợi dây dù cỡ bằng cọng tăm xỉa răng. Đó là chiếc ống nhòm nhìn xa đến nửa cây số. Phương bảo tôi: “Chú uống nước và nghỉ đi. Cháu xem thử có con gà nào gần đây không”. Nói rồi Phương đưa ống nhòm lên mắt. Đầu tiên là quan sát  bìa trảng, rồi lần vào trong… Một lúc, tôi nghe Phương kêu nhỏ, đắc ý: “Có hai con. Nhưng không phải ở dưới trảng, trong đám đậu xanh mà ở trên cây. Đây chú xem!”. Phương chuyển ống nhòm và hướng tôi nhìn lên cái cây to bên kia trảng Ngay cái chắn ba của cây to, một con gà lông màu sáng, sặc sỡ, đập vào mắt tôi... Còn con thứ hai, đứng trên nhánh nằm ngang của cái cây gần đó.  Phương giải thích: “Đây là hai con trống nghe chú. Gà mái, lông màu xám như trứng cút. Con trống thì tích màu trắng ở mang tai dài, nổi bật. Con mái, tích cũng trắng nhưng không dài”.

Phương bắt đầu bày trận để nhử hai con gà. Một tay ôm lồng có con gà mồi, một tay cầm cần cật tre, Phương lom khom đi tới một điểm cách chỗ chúng tôi vài chục thước. Ở đó, Phương đặt lồng xuống đất, mở cửa lồng để con gà mồi nhìn ra. Sau đó Phương cắm đầu nhọn của cần tre xuống đất, uốn cong để đầu cần tiếp đất, cũng như đặt cái dây thòng lọng ở ngay cửa lồng. Việc cuối cùng, dùng một que kẽm hình chữ U lộn ngược chuẩn bị sẵn từ nhà, cài lên khất, rồi cắm sâu xuống đất, nhờ đất giữ cần không bung lên; kéo theo dây thòng lọng  dù. Với cách gài này, chỉ cần một tác động vừa phải chạm vào cần…  que kẽm chữ U bị kéo lên và cần bung mạnh. Quay lại chỗ tôi, Phương giải thích: Loại bẫy với gà mồi đây chỉ bẫy được gà trống. Bẫy gà mái, mình không dùng gà mồi mà dùng gạo nhử. Con gà mồi của cháu vài phút nữa sẽ gáy. Tiếng gáy của nó làm “sôi gan” hai con kia và nó sẽ bay xuống. Chú chờ xem”. Quả đúng vậy, con gà mồi gáy liền đó. Tiếng gáy của nó vang dài, có phần trầm bổng. Trên chắn ba cây to, con gà lông sặc sỡ liền đáp lại, giọng ngắn và trầm. Con nọ vừa dứt, con trên cây có nhánh ngang nối theo. Qua ống nhòm, hai con gà rừng kia mỗi khi gáy, lông cổ dựng ngược lên, chứng tỏ chúng đang ra sức gáy đáp trả, có phần tức tối khi giang sơn của mình có kẻ lạ xâm chiếm. “Chú coi, con trên cây ngang, đập cánh liên tục rồi, nó bay tới ngay bây giờ thôi”, Phương nói, mắt không rời ống nhòm. Tôi hồi hộp chờ, cũng như chứng kiến giây phút con gà trên nhánh cây ngang, lao tới. Nó đậu trước cửa lồng, đầu cúi thấp nhìn con gà mồi, một chân nó co lên,  cánh đập liên hồi như thể thị uy. Phương và tôi nín thở khi con gà ấy bước một bước tới sát lồng. “Chuẩn bị đá đây”, tôi nghĩ thầm. Đúng lúc ấy, đầu con gà chạm vào cần, chạm vào que chữ U và cần bật lên cùng với tiếng kêu: “O... oa... át”.  Con gà rừng bị treo ngược bởi sợi dây dù, quẫy đập liên tục. Càng quẫy, dây càng siết chặt. Con gà còn lại, nghe tiếng “o.o.a.át”, cũng sợ liền bay mất.

                
Gà rừng thuần dưỡng làm gà mồi của Nguyễn    Văn Phương.

Mấy giờ sau đó, sau khi  gài bẫy ở vài đám rẫy bên dưới chân núi Tà  Đặng, Phương có được 3 con gà rừng. Cả ba con bị cột chân theo kiểu cột gà đi chợ để không sẩy  được. Tôi tò mò: “Mẹ cháu nói, cháu săn gà rừng để thuần dưỡng?”. Phương cười hiền: “Đó là khi mình được con gà tốt, chú à. Gà tốt, nó có tiếng gáy vang, tinh quái khi xung trận, dở đủ chiêu với gà mồi rồi mới lao vào đá. Săn được loại gà đó thuần dưỡng làm gà mồi, nó không chỉ gáy giục tốt, mà còn làm “điên” gà rừng, khi cả hai con chạm trán nhau”.

Phương cũng nói đến cách thuần dưỡng là phải thường xuyên tiếp cận  gà, săn sóc hàng ngày như kiểu chăm con… để  gà quen dần chủ. Tập cho nó gáy khi cần thiết. Chẳng hạn, với con gà mồi của Phương hiện nay, chỉ cần bật hai ngón tay kêu “tróc”, nó sẽ gáy. Một con gà rừng sau khi thuần dưỡng, có tiếng gáy vang và dài hơi; gáy theo ám hiệu của chủ…  giá từ 2 - 5 triệu đồng nhưng không phải lúc nào cũng mua được, bởi nó làm ra tiền cho người đi săn. Chưa kể, nếu cho gà rừng phối với nhau, may mắn có được gà trống rừng tốt. Hiện nay ở xã Tân Thành; ở thôn An Vinh, xã Sông Phan (Hàm Tân), gần núi Nhọn, nhiều thanh niên bằng tuổi Phương có nghề săn gà rừng, sau đó phối giống, thuần dưỡng… bán cho người có nhu cầu. “Gà rừng thuần chủng” hôm nay cháu săn được, nếu bán thì giá 250.000 đồng/con. Tuy nhiên, phải quen biết mới mua được vì thịt gà rừng chắc và thơm. Vì vậy, gà rừng ít khi nào đưa ra tới chợ. Muốn mua đúng gà rừng, chú phải quen những người chuyên săn như cháu đây!”, Phương cho biết.

Lần đầu tiên trong đời tôi có một ngày săn gà rừng lý thú!

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Săn gà rừng - nghề chơi lắm công phu!