Theo dõi trên

Quyết liệt đấu tranh với “thực phẩm bẩn”

20/08/2020, 09:03 - Lượt đọc: 192

BT- Những năm gần đây, khái niệm “thực phẩm bẩn” xuất hiện ngày càng nhiều và dày đặc, ám ảnh các gia đình trong từng bữa ăn. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vì thế cũng trở nên quyết liệt, thu hút sự chung tay của nhiều thành phần trong xã hội. Trong cuộc chiến đó, lực lượng công an đã và đang có những biện pháp đấu tranh, kiềm chế loại tội phạm này.

                
   Công an kiểm tra số thịt heo nái đối tượng    Tân cất giấu tại nhà.

“Hô biến” heo nái thành thịt bò

Đến bây giờ, sau gần 1 năm triệt phá vụ án “Hô biến” heo nái thành thịt bò, các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh vẫn còn bị ám ảnh bởi mùi hôi bốc ra từ những thùng xốp chứa đầy thịt heo đổ nhớt và tiếng vo ve của lũ ruồi bu đầy xung quanh. Tháng 9/2019, trinh sát nhận được thông tin về việc xuất hiện thịt bò “giả” ở chợ Phan Thiết. Nhận tin báo, các trinh sát đã tiến hành xác minh. Nhưng đây là việc rất khó khăn vì chợ Phan Thiết có hàng chục người bán thịt bò. Và nếu xác minh không cẩn thận thì đối tượng có thể nhận ra và “dừng” không bán nữa. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát môi trường đã xin ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh thành lập chuyên án triệt phá hành vi gây nguy hiểm cho người dân này. Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của phòng Cảnh sát môi trường đã được cử xuống xác minh. Họ cải trang thành nhiều hình dạng khác nhau. Có lúc là người đi chợ mua thịt bò về nấu ăn nhưng cũng có lúc chỉ là người đi đường bình thường. Sau một thời gian theo dõi, công an xác định “thịt bò giả” mà nguồn tin cung cấp được bán ra tại điểm kinh doanh trước số nhà 57, đường Ngô Sỹ Liên (thuộc khu phố 1, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết). Điểm kinh doanh này do  Nguyễn Đinh Tân (trú xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) trực tiếp bán. Một vấn đề đặt ra là Tân bán ở Phan Thiết nhưng điểm sơ chế thì ở nhà của đối tượng tại huyện Hàm Thuận Nam. Nên việc triệt phá phải đảm bảo vừa bắt được đối tượng và vừa không để đối tượng có thời gian tẩu tán tang vật. Ngày 13/10/2019, Công an tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra hành chính tiến hành kiểm tra đồng thời tại 2 nơi: Địa điểm kinh doanh của đối tượng Tân tại khu vực chợ Phan Thiết, TP. Phan Thiết và điểm sơ chế tại nhà ở của đối tượng tại thôn Dân Phú, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam.

Kết quả kiểm tra tại chợ Phan Thiết phát hiện đối tượng đang thực hiện bán 80,5 kg thịt heo nái già mà đối tượng nói dối là thịt bò. Còn tại nhà của đối tượng tại huyện Hàm Thuận Nam phát hiện có 2 tủ cấp đông đang chứa 364,5 kg thịt động vật mà đối tượng dự trữ để bán cho người tiêu dùng. Qua đấu tranh, Tân khai nhận do có kinh nghiệm 9 năm bán thịt bò nên y nhận thấy đặc điểm thịt heo nái già có màu sắc, thớ thịt gần giống như thịt bò. Vì vậy, đối tượng tìm kiếm, thiết lập mối quan hệ mua bán với các đối tượng tại huyện Hàm Thuận Nam và địa bàn ngoài tỉnh như: Đồng Nai, Bình Định, Quảng Ngãi… để thu mua thịt heo nái già đã bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, đổ nhớt, có mùi hôi nồng nặc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm với giá rẻ. Sau đó Tân sơ chế bằng cách rửa thịt, khò da, xử lý nhiệt để khử mùi, đem trữ cấp đông… Trước khi xuất bán ra thị trường thì thực hiện công đoạn tẩm thịt heo nái già trên với huyết bò tươi và dung dịch chất tạo mùi hương bò nhằm mục đích làm cho thịt heo nái già biến chuyển màu sắc như tươi mới và có mùi như thịt bò để dễ tiêu thụ ra thị trường với giá cao, đánh lừa người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Kết quả kiểm định mẫu thịt cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi và có nhiều chỉ tiêu vi sinh vật vượt hàng chục ngàn lần. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Phan Thiết đã khởi tố vụ án và ngày Tân phải trả giá cho hành vi phạm pháp của mình đang rất gần. 

                
   Hình ảnh đối tượng Tân được trinh sát ghi    lại.

Nhiều biến tướng

Có thể nói, trong thời gian vừa qua vấn đề an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chế biến nông, lâm, thủy sản đã và đang là mối lo của toàn xã hội. Bọn gian thương vì lợi nhuận bất chấp lương tâm sử dụng các loại hóa chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người vào bảo quản, chế biến sản phẩm. Tại Bình Thuận, với ưu thế là tỉnh có nguồn nguyên liệu thực phẩm tương đối dồi dào nhất là trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp, thủy, hải sản… nên vấn đề vi phạm các quy định củanhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra. Xét về quy mô sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, Bình Thuận không có nhiều tập đoàn quy mô lớn mà chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực gia công, sơ chế bán thành phẩm cho các doanh nghiệp khác ở trong và ngoài nước.

Nhưng chính việc các cơ sở kinh doanh có quy mô sản xuất nhỏ đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn lén lút sử dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm như sản xuất giá, cà phê, bánh kẹo, thạch, dưa chua... Trong đó có những hành vi vi phạm diễn ra nhiều như sử dụng nhựa thông trong sơ chế gia cầm hay việc sử dụng chất hàn the trong chế biến giò chả các loại... Bên cạnh việc sử dụng chất cấm thì một số cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, một số doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng các loại hóa chất, phụ gia không có nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm hoặc hóa chất quá thời hạn sử dụng… Đáng lên án hơn, một số đối tượng vì lòng tham đã cấu kết với những đối tượng ở ngoài tỉnh mua những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, có biểu hiện bị ôi, thiu về. Rồi chúng sử dụng hóa chất để tẩy rửa, khử mùi, sau đó “phù phép” thành thực phẩm mới để bán ra thị trường gây hoang mang trong lòng quần chúng nhân dân.  

Quyết liệt đấu tranh trên nhiều phương diện

Những hình thức trên cho thấy, các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra dưới nhiều hình thức và cách thức. Trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu các cán bộ chiến sĩ công an phải bám sát địa bàn, theo sát cơ sở, kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm. Triển khai nhiều đợt cao điểm, chuyên đề về đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là trong các dịp lễ, tết. Qua các đợt cao điểm này, lực lượng công an đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, góp phần chấn chỉnh việc quản lý, kinh doanh thực phẩm tại các chợ và vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ thịt động vật… Công an tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như phối hợp với cơ quan truyền thông đưa tin, bài, phóng sự về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động quần chúng nhân dân cảnh giác với thực phẩm không an toàn, tham gia phát hiện, tố giác đối với các hành vi vi phạm… Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác của người dân đối với các loại thực phẩm không an toàn, hạn chế được các tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc theo dõi, triệt phá xử lý các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm mà lực lượng công an đã đạt được trong thời gian vừa qua đã tạo được sự tin tưởng trong lòng quần chúng nhân dân, là một minh chứng cho phẩm chất của người chiến sĩ công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

         
         Từ 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã kiểm    tra, xử lý tổng cộng 121 vụ việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực    phẩm, xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, công an các đơn vị, địa    phương đã phối hợp với các đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm các    cấp kiểm tra 973 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát    hiện xử lý 168 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.     

Hà Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết liệt đấu tranh với “thực phẩm bẩn”