Theo dõi trên

Quản lý thực phẩm bẩn tại cơ sở:  Thiếu phương tiện hỗ trợ

17/06/2019, 08:57

BT - Chỉ kiểm tra bằng cảm quan mà không có phương tiện, công cụ hỗ trợ xác định thực phẩm bẩn để có chế tài, nhưng khi xảy ra vấn đề gì, thì địa phương chịu trách nhiệm... nhiều lãnh đạo xã, phường cho biết như vậy.

Bụi bặm, thiếu ngăn nắp, màu sắc thực phẩm bắt mắt... Đó là những cảm nhận ban đầu khi mới nhìn những quầy bán thực phẩm nấu chín, chế biến sẵn tại các chợ nông thôn hay ở lề đường ở khu vực trung tâm. Theo phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố về quản lý hoạt động kinh doanh ăn uống trong phạm vi địa phương của mình. Trên thực tế, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tuyến xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ảnh: Ngọc Lân

Không ít lãnh đạo xã, phường thừa nhận cái khó trong việc quản lý VSATTP, khi chủ yếu chỉ kiểm tra bằng cảm quan. Ông Phạm Phúc Thịnh – Chủ tịch UBND phường Phú Tài (TP. Phan Thiết) cho biết, thời gian qua Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP phường đã rà soát tất cả các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường cho ký cam kết, và đã tiến hành kiểm tra nhắc nhở hộ kinh doanh đảm VSATTP. Tuy nhiên, nói là đi kiểm tra, nhưng thực tế như “cưỡi ngựa xem hoa”, vì không có phương tiện, công cụ đo xác định thực phẩm bẩn. Nhìn thấy đồ ăn thức uống không đảm bảo thì đoàn ghi nhận, sau đó phối hợp với cơ quan chuyên môn có liên quan đến kiểm tra, nếu phát hiện thì xử lý, còn không thì nhắc nhở, nên rất bị động.

Chính vì sự bất tiện ấy nên có phường chọn cách mỗi lần tổ chức xuống địa bàn kiểm tra thì mời đại diện các cơ quan chuyên môn đi cùng, nếu phát hiện thì xử lý luôn một thể. Điều này dẫn đến tình trạng kiểm tra không thường xuyên, vì mỗi khi đi kiểm tra lại phải làm thủ tục mời các bên liên quan ở tuyến trên. Tuy vậy, khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm, cấp phường, xã vẫn phải chịu trách nhiệm với lý do quản lý địa bàn không tốt. Ông Đỗ Quốc Bảo – Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa (TP.Phan Thiết) chia sẻ, mọi vấn đề liên quan đến VSATTP thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Mặc dù từng địa phương ra sức tuyên truyền bằng nhiều hình thức bao gồm mở các lớp tập huấn, cho ký cam kết, nhưng ý thức của người chế biến thực phẩm vẫn đóng vai trò quyết định.

    
        Quyết định 28/2017 của UBND tỉnh, quy định phân công, phân cấp quản lý   nhà nước về an toàn thực phẩm, thì UBND xã, phường, thị trấn phải chịu   trách nhiệm trước UBND huyện, thành phố, thị xã về an toàn thực phẩm   trên phạm vi địa bàn: tổ chức, điều hành Ban chỉ đạo liên ngành về vệ   sinh an toàn thực phẩm xã, phường, thị trấn; chịu trách nhiệm trước UBND   huyện, thị xã, thành phố về quản lý các hoạt động kinh doanh thức ăn   đường phố, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn xã, phường, thị trấn không   thuộc diện tỉnh, huyện quản lý...

Ngoài việc thiếu phương tiện, công cụ đo xác định thực phẩm bẩn,  các thành viên Ban chỉ đạo VSATTP đa phần đều hoạt động kiêm nhiệm. Việc mua bán phần lớn diễn ra vào sáng sớm và buổi tối, nên việc tổ chức đoàn đi kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách về VSATTP cơ bản không được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Kinh phí để thực hiện công tác VSATTP cũng hạn hẹp.

Trước thực trạng trên, các địa phương chỉ có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người kinh doanh dịch vụ ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về ATTP, kịp thời báo cáo cấp trên xử lý ngay các trường hợp vi phạm. Người tiêu dùng cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm và thức ăn đường phố. Kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, để lên án, tẩy chay những cơ sở kinh doanh không bảo đảm ATTP.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý thực phẩm bẩn tại cơ sở:  Thiếu phương tiện hỗ trợ