Theo dõi trên

Phóng sự: Hành lá trổ bông!

24/03/2020, 09:29 - Lượt đọc: 1,740

BT- Thôn Phú Cường, Phú Trường (thị trấn Phú Long) những ngày vừa qua bao phủ sự mệt nhọc của nông dân. Nắng chiếu cứ chan chát. Nông dân nơi này, phải thấp thỏm với những luống hành, mảnh ruộng, không thể “chạy chợ”. Từng “rò” hành, ngò, cần, xà lách, rau răm ứ đọng, im ỉm ở những cánh đồng rau. Vạt nắng rớt xuống những tấm lưng miệt mài, sau lớp áo là giọt mồ hôi mặn đắng…

Ai mua mà cắt

Khi cơn đại dịch Covid-19 bỗng đâu ùa về, những tưởng chỉ là một cơn gió chỉ đi qua trong chốc lát. Nhưng, chẳng phải thế, nó làm xáo trộn tâm tư bao người. Và cũng chẳng ai hình dung được ở nơi xa xôi, vùng quê yên bình – thủ phủ của rau thơm cung cấp cho vùng lân cận chợt lắng lại.

Anh Thuận buổi sáng bán được 40 kg hành là cả niềm vui.

Tối đến khu phố Phú Trường, đi trên con đường bê tông quanh co, có đoạn chưa hình thành, lồi lõm. Cảm nhận rõ là một màu xanh ươm tươi mát của đồng ruộng. Những cánh đồng rau, phủ đầy một màu tươi mới và hy vọng, lưa thưa bóng người dù chỉ là buổi sáng thường ngày. Chỉ vài bóng người, xa xa đang vun lại luống hành, như cố giữ chút công bao ngày đã chăm bón. Không bán được, hành già đi. Tiếc, nhưng biết phải làm sao. Ráng giữ lại một ít để gây giống. Đó là những gì đang xảy ra ở vùng quê bình yên ở thị trấn nhỏ bé Phú Long. “Nhiều lắm, riêng của mình đợt này hơn 3 tấn hành, không bán được. Bí quá nhờ mấy đứa em giải cứu qua facebook, zalo giùm. Giờ cũng tạm ổn được đôi chút. Chứ bà con ở đây còn nhiều lắm” - anh Nguyễn Văn Tâm cho biết. Tâm đưa chúng tôi đi từ ruộng hành này qua đám ngò, xà lách, rồi đến rau cần, rau thơm. Những cánh đồng rau đến lúc thu hoạch mà người ta chẳng buồn cắt. “Ai mua mà cắt. Mọi khi dù mất giá 2.000 - 3.000 đồng/kg cũng bán, vì người ta mua. Giờ không ai mua, chợ đầu mối không nhập sao mà cắt” – ông Nguyễn Văn Xin ngồi trên bậc thềm nhìn xuống những rò hành lắc lư theo gió như trút hết muộn phiền. Người đàn ông cả đời làm ruộng. Rau thơm là cứu cánh để ông nuôi cả đàn con khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Nay ở cái tuổi 62 lại phải chứng kiến lần đầu tiên, thành quả lao động không thể mang ra chợ. “Nhiều lắm con. Không chỉ hành đâu. Rau gì cũng đầy ra đó, chẳng ai mua. Hành còn có thể tận dụng chút nào đó làm giống, rồi giâm lại. Chứ nhiều loại như xà lách, hay rau húng già quá sẽ nổ lá. Không bán được phải nhổ bỏ” - ông Xin thở dài.

Đi dọc theo những con mương, len lỏi qua những ruộng rau phảng phất mùi hành lá, mùi ngò, mùi quế. Nó cứ nhè nhẹ bay vào mũi, nhưng ngay lúc này chắc hẳn người nông dân chẳng còn đủ tỉnh táo nghe cái mùi hương của lao động. Chị Nguyễn Thị Mai – dắt tôi ra ruộng hành đang chạy dài theo đường chân trời. Bên cạnh là ruộng ngò dày đặc, sung sức muốn chen lên đón nắng, chị Mai thở dài: “Kiếm cách nào cứu giùm mọi người đi em, chứ vầy chắc bỏ hết. Ngày nào cũng ra nhìn, bán được vài kg đã mừng lắm rồi. Bên kia là ruộng của ông anh, ổng để đó, nó trổ bông luôn rồi”.

Đất “nghỉ”

Nông dân trồng các loại rau ngắn ngày họ lấy công làm lời là chính. Đối với các loại rau thơm, thì thời gian trồng đến thu hoạch khoảng 1 tháng, 1 tháng 10 ngày là thu hoạch. Nếu tình trạng kéo dài, nhiều hộ phải cho đất “nghỉ ngơi”, hoặc chỉ làm cầm chừng. “Tôi may mắn được bạn bè, anh em giúp đỡ trong lúc khó khăn, nên sản lượng thu hoạch cũng tạm ổn, giờ chắc ngưng, để đất trống. Ổn định rồi làm tiếp” – vừa đi anh Tâm vừa nói.

Dưới ruộng hành ở thôn Phú Trường, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuận đang cố gắng cân và bó 40 kg để giao cho khách. Đó là con số bán ít ỏi trong những rò hành tăm tắp kia. “Bán được bao nhiêu thì bán, chứ tình hình này cũng khó quá. Chỉ mong sớm ổn để còn kịp, chứ thêm vài tuần nữa chắc chắn là phải bỏ” – anh Thuận nói. Những bụi hành tươi rói vừa nhổ, còn thơm mùi đất, còn nghe mùi hăng hắc và mùi của những giọt mồ hôi của nông dân vừa nhỏ xuống.

Ở đây, nông dân sẽ không trồng một loại rau nào nữa, mà thay phiên để giữ cho đất không bị bạc màu. Nếu bây giờ là hành, thì mùa sau sẽ là một loại rau thơm khác. Cứ như thế luân phiên. “Thắng bại gì cũng làm, nghề này đã nuôi sống gia đình chú. Các con chú giờ cũng làm. Có cái nghề, có đất thì sẽ làm, nhưng đợt này sẽ giảm lại, cho đất nghỉ ngơi bớt. Trồng nhiều không bán được thì chết” – ông Xin nói. Rồi ông chỉ tay ở phía xa là hình ảnh dưới những “rò” hành. Một người đàn ông đang nhổ từ bên đây, vắt sang bên kia cho 3 người phụ nữ giâm lại, hy vọng vào đợt sau.

“Anh về nhớ giúp giùm, ông anh em nhiều lắm, không bán được gì cả. Trổ bông hết rồi. Ổng giờ cũng chẳng thèm ra coi chăm sóc, bỏ lơ luôn” - chị Mai nói như gởi gắm. Hình như chưa bao giờ nông dân ở đây bất an. Chưa bao giờ công sức của họ bị ùn ứ như lúc này. Và cũng chưa bao giờ, họ nhìn thấy sự ảnh hưởng của dịch bệnh lớn lao đến thế, và cũng chưa bao giờ họ chấp nhận để cho đất nghỉ ngơi.

Chị Nguyễn Thị Mai thấp thỏm bên ruộng hành đã trổ bông.

Đã xế chiều, ánh nắng nhạt dần nhưng các rò rau quế, ngò rí, rau răm, húng lủi… vẫn xanh um. Tôi thấy ám ảnh bởi ánh mắt của những nông dân, ngồi trên bậc thềm nhìn xuống những thảm xanh bạt ngàn, rồi thở dài. Tiếng thở dài của một vụ mùa thất bát. Tôi ngửi rõ cái mùi hăng hắc của những luống hành đang trổ bông!

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phóng sự: Hành lá trổ bông!