Theo dõi trên

Phạt nặng để trị bệnh xả rác, tiểu bậy

14/02/2017, 08:36

BT- Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Theo đó các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền, trong đó mức tối đa với cá nhân là 1 tỷ đồng, tổ chức là 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hành vi vứt, bỏ đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng. Vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng…

Thực ra không phải đến bây giờ mới có quy định xử phạt đối với các hành vi trên mà trước đây đã được quy định tại Nghị định 179/2013. Cái khác bây giờ là mức phạt tăng cao hơn nhiều, có những hành vi có thể bị phạt tiền với mức tăng từ 10 đến 25 lần. Với việc quy định mức phạt tiền cao được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được bệnh xả rác, tiểu bậy nơi công cộng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khó mà thực hiện có kết quả vì thực tế thời gian qua khi thực hiện Nghị định 179 cho thấy quy định pháp luật đã rõ nhưng lỏng lẻo trong việc thực thi dẫn đến lờn luật. Vai trò, quyền hạn của các cơ quan đã được quy định nhưng thấy trình tự, thủ tục để xử phạt phức tạp, người bị xử phạt không có khả năng nộp phạt đành lắc đầu cho qua. Một số khác thì lấy lý do còn phải tập trung giải quyết những vấn đề khác quan trọng hơn nên không đủ nguồn lực thực hiện kiểm tra, xử phạt đối với hành vi xả rác, tiểu bậy. Nhiều trường hợp quy định pháp luật đã rõ, trách nhiệm đã cụ thể nhưng vẫn xem như đó là việc của người khác…

Nói việc thực hiện Nghị định 155 khó là đúng nhưng không thể không làm được để hướng tới xây dựng đô thị văn minh sạch đẹp và nông thôn mới. Để triển khai việc xử phạt theo nghị định cần phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành. Mỗi cấp, ngành phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ cá nhân thực thi; xác định những vi phạm điển hình để tập trung xử phạt, sau đó công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục và vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng ở cơ sở như công an, dân phòng xã, phường, thị trấn cùng với sự hỗ trợ của lượng thanh tra môi trường huyện, thị, thành phố. Cùng với lượng chức năng cần huy động người dân vào cuộc mạnh mẽ hơn, vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác, tiểu bậy không đúng nơi quy định gửi tới cơ quan có thẩm quyền để xử phạt.

Đối với các điểm kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí cần được kiểm tra thường xuyên và yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết, vận động khách không được xả rác bừa bãi. Nếu các hộ kinh doanh không chấp hành, để du khách xả rác, chất thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, mỹ quan đường phố thì sẽ có biện pháp mạnh là thu hồi giấy phép.

Chỉ xử phạt thôi chưa đủ, vấn đề quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc; mỗi nhà tự làm sạch trước cửa nhà mình, con hẻm thường đi, dãy phố đang ở chính là biện pháp hữu hiệu nhất để thực hiện nghị định. Chính quyền cần triển khai sớm việc lắp đặt camera tại những vị trí trọng điểm để hỗ trợ giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm trật tự xã hội và các hành vi xả rác, tiểu bậy, hút thuốc nơi công cộng… Các xã, phường, thị trấn tiếp tục đặt thùng rác dọc các tuyến đường trọng điểm, các khu phố, con hẻm để người dân bỏ rác. Các khu vực thương mại, khu vui chơi giải trí, các trục đường chính cần xây dựng các nhà vệ sinh để người dân, du khách giải quyết “nhu cầu” khi cần thiết.

Đã qua nửa tháng Nghị định 155 có hiệu lực. Một số tỉnh, thành đã bắt tay vào công việc và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên tại Bình Thuận vẫn chưa có sự khởi động nào rõ nét. Thiết nghĩ Sở Tài nguyên và Môi trường sớm phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể từ công tác tuyên truyền đến huy động lực lượng, chế độ chính sách… làm cơ sở để thực hiện đồng bộ,  hiệu quả Nghị định 155 trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian đến.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạt nặng để trị bệnh xả rác, tiểu bậy